Sơ sót trong xét xử án kinh doanh - thương mại
Mới đây, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của VKSND Tối cao liên quan đến vụ kiện giữa Công ty TNHH May thêu giày An Phước (viết tắt: Công ty An Phước) và Công ty TNHH Sông Thao (viết tắt: Công ty Sông Thao).
Xét xử qua nhiều cấp
Năm 2008, Công ty An Phước thuê nhà của Công ty Sông Thao, giá thuê trong hợp đồng là hơn 177 triệu đồng/tháng. Khi hợp đồng thuê nhà hết hiệu lực, hai bên ký thêm phụ lục gia hạn hợp đồng đến năm 2024. Do Công ty An Phước không thanh toán tiền nhà theo thỏa thuận, Công ty Sông Thao khởi kiện.
Công ty Sông Thao cho rằng Công ty An Phước có trách nhiệm trả khoản tiền nhà còn nợ. Phản bác, bị đơn lập luận nếu muốn như thế, nguyên đơn phải hoàn trả hơn 8,6 tỉ đồng, gồm: tiền đặt cọc, tiền thuê nhà đã nhận, bồi thường chi phí đầu tư mặt bằng, bồi thường thiệt hại do cắt điện... Bị đơn đưa ra một loạt tài liệu chứng minh khoản bồi thường trên. Đơn cử, dù chưa đến hạn thanh toán hợp đồng lần 2 nhưng nguyên đơn tự ý cắt điện, nước.
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, tòa sơ thẩm tuyên bố chấm dứt hợp đồng thuê nhà cùng các phụ lục; bị đơn có nghĩa vụ bàn giao lại toàn bộ nhà; hoàn trả tiền nhà còn nợ (gần 4,4 tỉ đồng), tiền thuê cho đến lúc bàn giao nhà. Không đồng tình, bị đơn kháng cáo.
Bản án phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm. Sau đó, nguyên đơn đề nghị xem xét giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án phúc thẩm. Vụ kiện chưa dừng ở đó. Bị đơn kiên trì gửi đơn xem xét giám đốc thẩm một lần nữa; đồng thời, VKSND Tối cao kháng nghị theo hướng hủy quyết định giám đốc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và giữ nguyên bản án phúc thẩm. Kháng nghị này đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chấp nhận.
Vụ tranh chấp hợp đồng dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền giữa nguyên đơn là Công ty TNHH IDE Việt Nam với bị đơn là Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Theo hồ sơ, hai bên ký hợp đồng có nội dung nguyên đơn đồng ý cho bị đơn thực hiện dịch vụ tiếp thị và phân phối độc quyền 1.082 căn hộ (hình thành trong tương lai). Mọi việc ổn thỏa, đến thời điểm bị đơn giao dịch thành công 427 căn hộ thì phát sinh mâu thuẫn.
Khởi kiện, nguyên đơn đề nghị tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Phản tố, bị đơn yêu cầu nguyên đơn thanh toán hơn 314 tỉ đồng, gồm: khoản bồi thường thiệt hại, trả tiền cọc... Năm 2019, tòa sơ thẩm bác yêu cầu khởi kiện, chấp nhận yêu cầu phản tố. HĐXX sơ thẩm tính toán số tiền nguyên đơn phải hoàn trả là hơn 313 tỉ đồng. Không những nguyên đơn kháng cáo mà cơ quan công tố cũng kháng nghị bản án này.
Minh họa: KHỀU
Sửa bản án sơ thẩm, tòa phúc thẩm kết luận việc chấm dứt hợp đồng do lỗi đơn phương chấm dứt hợp đồng từ phía nguyên đơn. Bản án phúc thẩm buộc nguyên đơn trả hơn 314 tỉ đồng như yêu cầu phản tố của bị đơn. Không đồng ý, cơ quan công tố tiếp tục kháng nghị theo hướng hủy 2 bản án.
Quyết định giám đốc thẩm không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm. Đến tháng 7-2020, Chánh án TAND Tối cao có quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với quyết định giám đốc thẩm nêu trên. Giải quyết vụ án, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao tuyên bố hủy toàn bộ quyết định giám đốc thẩm cũng như bản án sơ thẩm, phúc thẩm để giải quyết vụ án lại từ đầu theo thủ tục sơ thẩm.
Đánh giá chưa đầy đủ, toàn diện
Trong những vụ án kinh doanh - thương mại, quá trình phân tích, đánh giá chứng cứ đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Việc đánh giá chứng cứ khác nhau giữa các cấp xét xử dẫn đến hệ quả nhận định, phân tích và quyết định tuyên xử cũng khác nhau.
Giải thích về quyết định giám đốc thẩm vụ kiện giữa Công ty An Phước và Công ty Sông Thao, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao chỉ rõ Công ty An Phước có vi bằng ghi nhận sự việc Công ty Sông Thao có hành vi cản trở (cắt điện, nước, đập phá tài sản). Lẽ ra, tòa sơ thẩm phải thu thập, đánh giá chứng cứ nhằm làm rõ hành vi đó có tác động đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty An Phước hay không. Dù chưa thực hiện việc này nhưng cơ quan xét xử sơ thẩm vẫn buộc Công ty An Phước thanh toán toàn bộ tiền thuê nhà. Ở cấp phúc thẩm, HĐXX xem xét, đánh giá tài liệu, chứng cứ một cách đầy đủ, toàn diện.
Vụ tranh chấp giữa Công ty TNHH IDE Việt Nam với Công ty CP Dịch vụ và Đầu tư Đất Xanh Đông Nam Bộ tồn tại nhiều sai phạm hơn. Hai cấp tòa (sơ thẩm, phúc thẩm) chưa làm rõ lỗi mỗi bên theo hợp đồng mà chỉ xác định lỗi hoàn toàn từ Công ty TNHH IDE Việt Nam. Hậu quả, cơ quan xét xử đánh giá vụ án chưa khách quan, toàn diện. Đối với giải quyết hậu quả việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cả tòa sơ thẩm, phúc thẩm lẫn giám đốc thẩm đều không đánh giá toàn diện vụ án, không xác minh đúng mức độ lỗi của các bên khi chấm dứt hợp đồng. Dù thế, 3 cấp xét xử cùng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện và chấp nhận phần lớn yêu cầu phản tố mà bị đơn đưa ra; thậm chí còn chấp nhận cả yêu cầu bồi thường liên quan đến những căn hộ chưa bán.
Quy định đánh giá chứng cứ
Điều 108 Bộ Luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về đánh giá chứng cứ như sau: việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ.