Soi sức khỏe tài chính của doanh nghiệp có cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán
CTCP Vinacafe Biên Hòa (mã VCF) mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 với doanh thu thuần giảm 6,8% so với cùng kỳ, xuống 1.087 tỷ đồng. Tương ứng, giá vốn của VCF cũng sụt giảm song tốc độ sụt giảm mạnh hơn lên tới 12,7% khiến lợi nhuận gộp của CVF vẫn ghi nhận mức tăng trưởng 11,6%, mang về 313 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ hơn 24% quý IV/2018 lên 28,9% trong quý IV/2019.
Điều đáng nói, Vinacafe Biên Hòa mặc dù là công ty trong ngành tiêu dùng nhanh (FMCG), song chi phí bán hàng của VinaCafé Biên Hòa rất thấp do tính chung vào hệ thống của Masan Consumer - công ty mẹ. Riêng trong quý IV/2019, chi phí bán hàng của Vinacafe Biên Hòa chỉ vào khoảng 5 tỷ đồng, giảm từ mức 7,6 tỷ của cùng kỳ năm trước. Cộng với chi phí quản lý doanh nghiệp “bốc hơi” trên 37% trong kỳ, Vinacafe Biên Hòa báo lãi sau thuế 264 tỷ đồng, tăng 26,7% so với quý IV/2018.
Vinacafe Biên Hòa cho rằng, doanh thu thuần trong kỳ giảm 7%, tuy nhiên, lợi nhuận thuần từ hoạt động sản xuất kinh doanh trước thuế thu nhập doanh nghiệp (không bao gồm thu nhập từ hoạt động tài chính) của doanh nghiệp tăng tới 17% so với cùng kỳ năm trước, do lợi nhuận gộp cải thiện và các chiến lược kiểm soát chi phí được doanh nghiệp kiểm soát hiệu quả hơn.
Trong kỳ, thu nhập từ hoạt động tài chính giảm tới 4,3 lần do dòng tiền hoạt động đầu tư thấp.
Lũy kế cả năm 2019 doanh thu thuần đạt 3.097 tỷ đồng, giảm gần 10% so với năm trước đó và chưa hoàn thành kế hoạch doanh thu từ 3.500 đến 3.700 tỷ đồng đặt ra hồi đầu năm.
Tuy vậy nhờ giá vốn, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm nên tính chung lại lợi nhuận sau thuế cả năm vẫn đạt gần 678 tỷ đồng, tăng 6,4% so với lợi nhuận đạt được năm 2018. Với kết quả này, VCF vẫn hoàn thành mục tiêu đạt từ 650 đến 750 tỷ đồng lợi nhuận được giao cho cả năm.
Đáng chú ý, Vinacafe là một trong những doanh nghiệp thường xuyên lọt TOP những doanh nghiệp đạt EPS cao trên sàn chứng khoán hàng năm. Năm 2019, EPS đạt 25.615 đồng – cao hơn rất nhiều so với mức 24.076 đồng đạt được năm 2018 và cũng là mức cao nhất thị trường hiện nay.
Tại thời điểm 31/12, tổng tài sản ở mức tương đương số đầu năm và đạt 2.225,3 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn đạt 1.651 tỷ đồng, tăng 5%, trong đó chủ yếu là khoản phải thu của khách hàng với 1.208 tỷ đồng, tăng 10,8%.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Vinacafe Biên Hòa giảm từ 814 tỷ đồng xuống 783 tỷ đồng. Nợ vay toàn bộ là vay ngắn hạn với hơn 345 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp đạt 1.442 tỷ đồng, trong đó có gần 266 tỷ đồng vốn cổ phần và gần 944 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Tính đến cuối năm 2019, tập đoàn có 286 nhân viên, giảm từ mức 327 nhân viên của đầu năm. Thưởng và lương tháng 13 ghi nhận tại khoản mục chi phí phải trả của doanh nghiệp thời điểm 31/12/2019 lên tới hơn 12 tỷ đồng. Như vậy, lương và thưởng tháng 13 bình quân của mỗi nhân viên lên tới 42 triệu đồng.
Trong đó, tại phần thuyết minh về các giao dịch chủ yếu với các bên liên quan, Vinacafe Biên Hòa ghi nhận con số thù lao cho thành viên quản lý chủ chốt lên tới 7 tỷ đồng, tăng nhanh từ mức gần 4,8 tỷ của năm 2018.
Trên thị trường chứng khoán, sau nhiều sóng tăng mạnh trong năm qua, cổ phiếu VCF đã leo lên mức 200.000 đồng/cổ phiếu, vượt qua Sabeco (mã SAB) của tỷ phú người Thái để trở thành cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán. Ước tính tại mức thị giá hiện tại, vốn hóa của Vinacafe Biên Hòa vào khoảng 5.316 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thanh khoản luôn duy trì ở mức rất thấp, với khối lượng giao dịch chỉ vài trăm cổ phiếu do tỷ lệ cổ đông cô đặc. Masan Beverage đang nắm đến 98,49% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của Vinacafe Biên Hòa.
Vinacafe Biên Hòa còn là một trong số doanh nghiệp tạo được ấn tượng trên thị trường chứng khoán khi trả cổ tức bằng tiền lên đến 240%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 24.000 đồng trong năm 2018.
Còn trước đó, cuối năm 2017, sau 3 năm không trả cổ tức, Vinacafe Biên Hòa đã bất ngờ thực hiện chi trả cổ tức đặc biệt tỷ lệ đến 660%. Đó cũng là lúc Masan quyết tâm mua thêm cổ phần để nâng tỷ lệ sở hữu.