Sốt đất tràn về nông thôn, nông dân cứ giữ rồi bỏ hoang trong khi doanh nghiệp "khát" đất sản xuất, kinh doanh

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 28/10/2022 13:54 PM (GMT+7)
"Cơn sốt đất đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai càng khó khăn hơn. Người nông dân thì cứ giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thì thiếu đất sản xuất, kinh doanh", đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết.
Bình luận 0

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy cho biết, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 3 thành tố có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Song qua báo cáo cũng thấy còn những trăn trở, đó là trong thời kỳ khó khăn của đại dịch COVID-19 thì lĩnh vực nông nghiệp được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, tuy nhiên lĩnh vực nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm khoảng 4% trong tổng mức tăng chung của cả nền kinh tế.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với việc đánh giá những thành tựu to lớn đã đạt được sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X cũng đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, đó là thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp, dịch vụ ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, vật tư nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết, việc tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn.

Sốt đất tràn về nông thôn, nông dân thì cứ giữ đất để bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất, kinh doanh - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Ảnh: Quochoi

Hiện nay, cơn sốt đất cũng đã tràn cả về nông thôn, giá đất tăng cao nên cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai lại càng khó khăn hơn nữa. Cùng với đó là tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã ly hương, đề phòng bất trắc, coi đất đai như một cuốn sổ bảo hiểm. Người nông dân thì cứ giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thì thiếu đất sản xuất, kinh doanh. 

Câu hỏi đặt ra là tại sao quá trình tích tụ và tập trung ruộng đất lại diễn ra chậm chạp như vậy? Tại sao người nông dân lại không nhận ra hiệu quả thấp và chi phí cao của việc ruộng đất phân tán, manh mún và tại sao người nông dân lại không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất. 

Có rất nhiều nguyên nhân cho câu trả lời của các câu hỏi trên, song phải chăng nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì bắt đầu từ thể chế của chúng ta đang còn những nút thắt, lực cản.

Chính sách đất đai là cội nguồn của chính sách kinh tế trong nông thôn, đất đai gắn với môi trường sống, sinh kế và cơ hội phát triển của nông dân, đất đai gắn với văn hóa, chế độ canh tác, tổ chức sản xuất và các mối quan hệ trong xã hội nông thôn.

Để phát triển mô hình tích tụ, tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu của trình độ sản xuất ngày càng cao đòi hỏi phải có những giải pháp mang tính chiến lược, mà một trong những nội dung lập pháp rất được cử tri và nhân dân trông đợi ở kỳ họp Quốc hội lần này, đó là việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai. 

Chính sách mới trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã đề cập đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất. Song, để tháo gỡ một cách thực chất và đồng bộ các điểm nghẽn thì rất cần sự quan tâm thỏa đáng và có những giải pháp đồng bộ toàn diện. 

Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần quy định rõ hơn nữa việc góp vốn chuyển quyền sử dụng đất và góp vốn không chuyển quyền sử dụng đất, xây dựng cơ chế pháp lý để doanh nghiệp nhận góp vốn thông qua nhận quyền sử dụng đất, có thể thế chấp để vay vốn ngân hàng. 

Bên cạnh đó, cần có chính sách để đẩy mạnh tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, giảm thuế, phí liên quan đến chuyển nhượng đất nông nghiệp, hỗ trợ về cơ sở hạ tầng đối với các diện tích đất nông nghiệp mới được tích tụ tập trung; đẩy mạnh đầu tư theo hình thức đối tác công tư để xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh, thu hút đầu tư của doanh nghiệp hợp tác xã.

Thứ hai, về quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Thời gian qua, trong các Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng, Trung ương Đảng đã luôn nhấn mạnh đến vấn đề này. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn lực quốc gia có hạn, trong khi yêu cầu về đầu tư phát triển lại lớn nên rất cần những giải pháp phù hợp. 

Đại biểu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, rà soát, đánh giá để hoàn thiện Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định pháp luật có liên quan để thúc đẩy huy động bổ sung nguồn lực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của việc đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Ngoài ra, trên cơ sở thí điểm, Chính phủ cần sớm có những đánh giá và hoàn thiện cơ chế chính sách về việc tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập để thực hiện đại trà, góp phần tháo gỡ nút thắt trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản đang tồn tại hiện nay.

Cùng với sự quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, việc hoàn thiện chính sách pháp luật để thúc đẩy tích tụ, tập trung đất đai là những giải pháp quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là cư dân ở khu vực nông thôn.

"Không ai muốn và có lẽ cũng chẳng ai có thể chối bỏ quê hương. Song, nếu mức sống và tiện nghi sinh hoạt giữa đô thị và nông thôn quá khác xa nhau thì chúng ta sẽ còn chứng kiến những cuộc di dân ngày càng lớn hơn nữa hướng ra phố thị", đại biểu Nguyễn Văn Huy nói.

Ông Huy cho biết, cử tri và nhân dân đang rất trông đợi Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề đang đặt ra nêu trên, để giúp cho những người nông dân không phải vật lộn với cái khó, cái nghèo, không phải đau đáu trước sự lựa chọn có nên tiếp tục duy trì nghề nông nữa hay không và cũng không còn phải trăn trở với câu hỏi ở lại hay ra đi khỏi làng, mà còn giúp cho người nông dân, nhất là những nông dân trẻ tuổi ngày càng chuyên nghiệp hơn, phù hợp với thời kỳ chuyển đổi số, có đủ sức làm chủ ruộng đồng, làm chủ công nghệ kỹ thuật và thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem