Sốt hành tỏi ở Indonesia

08/04/2020 10:45 GMT+7
Bất chấp chính sách nới lỏng nhập khẩu gần đây, các nhà nhập khẩu xứ vạn đảo vẫn không thể đảm bảo nguồn cung hành tỏi cho trên 250 triệu người.

Bất chấp chính sách nới lỏng nhập khẩu gần đây, các nhà nhập khẩu xứ vạn đảo vẫn không thể đảm bảo nguồn cung hành tỏi cho trên 250 triệu người.

Chợ tỏi Bitingan ở Kudus, Trung Java đang trữ nguồn hàng lớn để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dự kiến sẽ lên rất cao trong tháng Ramadan, sẽ bắt đầu vào ngày 24/4 tới. Ảnh:Antara

Ủy ban Giám sát Cạnh tranh Kinh doanh Indonesia (KPPU) cho rằng, Bộ Thương mại cần phải sớm đánh giá lại năng lực của các nhà nhập khẩu do giá tỏi trong nước hiện đang ở mức cao, bất chấp biện pháp can thiệp từ chính phủ.

Ông Guntur Saragih, ủy viên KPPU nói: "Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay thì chỉ một biện pháp nới lỏng nhập khẩu từ chính phủ là không đủ. Do vậy cần phải có vai trò của các doanh nghiệp nhập khẩu để đảm bảo nguồn hàng dự trữ cần thiết”.

Phát biểu của ông Guntur được đưa ra sau khi Bộ Thương mại Indonesia ban hành chính sách tạm thời dỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu đối với các nhà nhập khẩu trong nước từ ngày 19 tháng 3 đến ngày 31 tháng 5. Trước đó, bộ này đã ra thông báo đến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng nông sản, trong đó có tỏi “không nhất thiết phải tham khảo các khuyến nghị từ phía Bộ Nông nghiệp”. Tuy nhiên ngay sau đó thông báo này đã bị vướng phải nhiều chỉ trích và sau đó bị bác bỏ.

Tỏi là loại gia vị không thể thiếu trong các bữa ăn của người Hồi giáo. Ảnh: JKP

Theo tờ Bưu điện Jakarta, giá tỏi và hành tây tại Indonesia đã tăng phi mã trong suốt ba tháng vừa qua do thiếu hụt nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu dùng hai mặt hàng này ngày một tăng.

Theo Trung tâm thông tin thị trường lương thực chiến lược Indonesia, giá tỏi trung bình trên toàn quốc là 45.350 rupiah/kg (khoảng 63.000 đồng) vào cuối tuần vừa qua, cao gần gấp đôi so với giá thông thường (chỉ dao động trong khoảng từ 25.000 đến 30.000 rupiah/kg). Mức giá này đã giảm kể từ hồi giữa tháng Hai, khi nó leo lên mức kỷ lục là 50.000 rupiah/kg.

Tương tự, giá hành tây trung bình cũng tăng mạnh. Theo số liệu của Hiệp hội các doanh nghiệp nhập khẩu rau quả Indonesia, giá bán lẻ hành tây đã tăng vọt lên mức 170.000 rupiah/kg trong tháng 3, so với mức 62.500 rupiah/kg hồi tháng 2 và 35.500 rupiah/kg vào tháng 1.

Tính từ ngày 19/3, Bộ Thương mại nước này đã cấp phép nhập khẩu khoảng 11.000 tấn tỏi kể từ ngày 19 tháng 3, ít hơn rất nhiều so với hạn ngạch là 150.000 tấn. Còn đối với mặt hàng hành tây, hiện bộ này vẫn chưa công bố số liệu nhập khẩu mới nhất.

Thương nhân đeo khẩu trang bán hàng trong một chợ nông sản truyền thống ở thủ đô Jakarta giữa mùa Covid-19. Ảnh: AFP

Đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng tại quốc gia đông dân số nhất Đông Nam Á phải gánh chịu hậu quả từ các chính sách nhập khẩu hàng hóa nông sản. Trước đó tinh trạng tương tự cũng đã từng xảy ra đối với mặt hàng đường và thịt bò do Indonesia phải phụ thuộc lớn vào nguồn nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng nội địa.


Ông Guntur cho biết, đây không phải là lần đầu tiên các mặt hàng nông sản nhập khẩu bị sụt giảm mạnh. Vào đầu năm ngoái, giá tỏi trong nước thậm chí có thời điểm đã tăng vọt lên hơn 80.000 rupiah/kg do các khuyến nghị nhập khẩu chậm trễ và “câu giờ” cho đến tháng 4.

Tuy nhiên hiện giới chức trong nước vẫn chưa thể xác định được liệu có hay không sự thao túng chính sách hoặc các nhà nhập khẩu có cố tình kìm hãm nhập khẩu hay không, động thái nhằm đẩy giá lên cao để trục lợi.

Ông Guntur nói rằng, KPPU sẽ tiến hành một cuộc điều tra độc lập để làm rõ vấn đề này giúp ổn định thị trường tiêu dùng trong nước. "Nếu phát hiện ra các vi phạm cần, chính phủ có thể sẽ liệt các doanh nghiệp này vào danh sách đen để xử lý”, ông này cho biết.

Trong lúc điều tra về khả năng có sự thao túng của các nhà nhập khẩu trong nước để om nguồn cung, các chuyên gia kinh tế cho rằng chính sách cởi mở cho nhiều loại hàng hóa nhập khẩu sẽ vẫn là "vũ khí mạnh nhất" để chống lại các vấn nạn tương tự gây méo mó thị trường và thiệt hại cho người tiêu dùng.

Kim Long/Nông Nghiệp Việt Nam
Cùng chuyên mục