Startup Chăm sóc khách hàng đa kênh BigLead: Thần tốc ứng dụng ChatGPT

Khải Phạm Thứ hai, ngày 01/05/2023 09:40 AM (GMT+7)
Theo anh Lê Thắng - CEO BigLead, song hành với việc tìm kiếm khách hàng mới, doanh nghiệp nên chăm sóc khách hàng cũ để tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả.
Bình luận 0

Khởi nghiệp nhiều thách thức, khó khăn trong công việc, thách thức trong cuộc sống 

Nói về lý do khởi nghiệp, anh Lê Thắng - CEO BigLead cho biết mình phù hợp với công việc kinh doanh hơn là việc đi làm ở các công ty. Vị CEO này từng tốt nghiệp kỹ sư công nghệ thông tin, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và sau đó có thời gian du học bên Mỹ.

Trong quá trình đi học và đi làm, anh Thắng tích lũy nhiều kinh nghiệm và có những cái nhìn sâu sắc về những gì mà thị trường công nghệ đang thiếu và đang cần. Chính vì thế, Công ty BigLead - Chăm sóc khách hàng đa kênh được thành lập từ năm 2017.

CEO BigLead - Starup Chăm sóc khách hàng đa kênh: Bán cho khách hàng cũ tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Anh Lê Thắng - CEO BigLead chia sẻ hành trình khởi nghiệp. Ảnh Khải Phạm.

"Lý do chính khiến tôi quyết định khởi nghiệp là cảm thấy mình phù hợp với công việc kinh doanh hơn và để ý tới phát triển thương mại điện tử. Đặc biệt, những mảng tôi từng phụ trách liên quan đến Direct sale. Từ đó, tôi tìm giải pháp để chăm sóc khách hàng đa kênh và hình thành mô hình của công ty như hiện tại, CEO BigLead chia sẻ.

Nhớ lại những khó khăn trong suốt hơn 5 năm qua, anh Thắng cho biết đối với doanh nghiệp Startup về công nghệ, luôn phải đối mặt với những thách thức trong quá trình phát triển.

"Để có một mô hình kinh doanh có thể tồn tại được, doanh nghiệp luôn phải đối mặt với những khó khăn. Từ việc tìm người đồng hành, xây dựng và phát triển doanh nghiệp khi không phải ai cũng đủ tâm huyết, chuyên môn để cùng làm. 

Khi đã có được mô hình, định hướng được sản phẩm kinh doanh, việc tìm kiếm những khách hàng đầu tiên là vô cùng khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi còn phải xây dựng được sản phẩm mình có thể dùng được đã khó, thương mại hóa sản phẩm còn nhiều vấn đề hơn", vị CEO này chia sẻ khó khăn của Startup công nghệ.

Không chỉ những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp, anh Thắng còn đối mặt với bài toán cân bằng trong cuộc sống. Việc xây dựng một doanh nghiệp khởi nghiệp còn "ngốn" nhiều quỹ thời gian khiến anh Lê Thắng dành ít thời gian cho gia đình cũng là vấn đề khiến anh luôn trăn trở. Sự nghiệp và gia đình là những thứ quan trọng nhất của đàn ông, nên để cân bằng là điều chưa bao giờ dễ dàng.

Tuy nhiên, với niềm đam mê, quyết tâm xây dựng BigLead như hiện nay, vị CEO này đã vượt qua tất cả để có những thành tựu ban đầu với "đứa con" của mình.

Anh Lê Thắng - CEO BigLead chia sẻ hành trình khởi nghiệp. Video Khải Phạm.

Bán cho khách hàng cũ tiết kiệm nhiều chi phí

BigLead là giải pháp chăm sóc khách hàng đa kênh (Facebook, Tiktok, Zalo, instagram, Line...) phát triển được hơn 5 năm tại thị trường Việt Nam, giải quyết bài toán chăm sóc khách hàng cho các doanh nghiệp. Đến nay, BigLead cung cấp sản phẩm cho hơn 10.000 các đơn vị sử dụng sản phẩm của mình.

Nói về bài toán chi phí Maketting doanh nghiệp, CEO Lê Thắng cho biết: "BigLead là giải pháp chăm sóc khách hàng hiệu quả khi gom khách hàng ở tất cả các kênh về một nơi để tập trung hóa dữ liệu khách hàng. Đặc biệt, BigLead giúp kéo khách hàng cũ quy trở lại để mua sản phẩm của doanh nghiệp và giữ khách hàng ở bên doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, chi phí để tìm kiếm khách hàng mới để có lãi ngay ở những đơn hàng đầu tiên rất khó. Hơn nữa, chi phí quảng cáo của doanh nghiệp phải chi ra cũng rất cao.

Không có gì hiệu quả hơn là doanh nghiệp bán lại sản phẩm cho những khách hàng cũ, khi đó, chi phí gần như được tính là 0 đồng giúp tiết kiệm tối đa".

CEO BigLead - Starup Chăm sóc khách hàng đa kênh: Bán cho khách hàng cũ tiết kiệm nhiều chi phí cho doanh nghiệp - Ảnh 3.

Giải pháp chăm sóc khách hàng đa kênh đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Ảnh Khải Phạm.

Với lượng khách hàng lớn hơn 10.000 sau hơn 5 năm khởi nghiệp, mục tiêu của vị CEO này là đưa BigLead trở nên phổ biến không chỉ khách hàng trong nước mà còn quốc tế.

"Thái Lan và Myanma là 2 thị trường đầu tiên mà BigLead đang triển khai. Hệ thống chăm sóc khách hàng của BigLead tích hợp Live chat, đây là phần mềm OTT chat phổ biến ở Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc... như Zalo ở Việt Nam. Ngoài ra, BigLead còn tích hợp thêm nền tảng OTT chat lớn nhất trên thế giới - WhatsApp để hướng đến thị trường Bắc Mỹ, Bắc Âu", CEO BigLead chia sẻ về mục tiêu phát triển trong thời gian tới.

Bên cạnh giải pháp chăm sóc khách hàng đa kênh, BigLead còn có sản phẩm chăm sóc khách hàng tại sự kiện (chăm sóc khách hàng trước - trong - sau sự kiện).

Bắt nhịp theo xu hướng công nghệ hiện nay, sản phẩm chat đa kênh còn tích hợp ChatGPT để hướng đến doanh nghiệp cần phải tư vấn rất nhiều cho khách hàng trước khi bán sản phẩm. Với việc tích hợp ChatGPT, những doanh nghiệp cần chăm sóc lượng khách hàng lớn, thông tin sâu.

Là một doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp, anh Thắng cũng mong muốn có được nhiều chính sách hỗ trợ từ Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, CEO BigLead mong muốn Chính phủ hỗ trợ về mặt tài chính và thiết thực nhất là thuế. 

"Tôi mong chính sách thuế sẽ cởi mở hơn dành cho doanh nghiệp công nghệ. Theo đó, thuế đầu vào khi doanh nghiệp công nghệ có rất nhiều chi phí thuế không thể khai báo hết được. Công ty công nghệ có những dịch vụ phải thuê ở nước ngoài và không thể đưa được vào chi phí nên phát sinh thuế thu nhập doanh nghiệp. Doanh nghiệp Startup cũng rất cần những chính sách hỗ trợ tài chính như có các kênh vay vốn mà doanh nghiệp có thể tiếp cận được. Ngoài ra, nếu có những chính sách đưa nhân viên doanh nghiệp công nghệ ra nước ngoài đào tạo, học hỏi mô hình của họ sẽ vô cùng thiết thực. Các chương trình tìm kiếm nguồn nhân sự đầu vào như các sinh viên mới ra trường nếu được trải khai sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều", CEO Lê Thắng mong muốn doanh nghiệp công nghệ Startup nhận được nhiều hỗ trợ hơn.

Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844) được Thủ tướng ban hành qua thời gian 7 năm đã mang đến nhiều sự hỗ trợ tích cực cho cộng đồng start-up.

Số lượng quỹ đầu tư tham gia hoạt động tại Việt Nam tăng mạnh khoảng 60% và phân bổ đồng đều giữa các quốc gia. Năm 2021, Việt Nam là quốc gia có số lượng nhà đầu tư rất cao, đứng thứ hai chỉ sau Singapore.

Dẫu Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư dài hạn tại khu vực Đông Nam Á nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp cũng không tránh khỏi các tác động từ suy thoái chung. Bằng chứng là sau mức đỉnh năm 2021, tổng số vốn đầu tư vào các công ty khởi nghiệp năm 2022 chỉ đạt 855 triệu USD (giảm 40% so với mức 1,4 tỷ USD năm 2021) , số thương vụ cũng giảm từ 165 (năm 2021) xuống còn 85.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức đầu tư, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á, chỉ đứng sau Indonesia và Singapore.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem