Sự thật khác ở Vinacafe: Công nhân bị... tận thu theo kiểu "5 không"

Lê Đình Hoàng Thứ hai, ngày 03/04/2017 06:45 AM (GMT+7)
Ngay sau khi Báo Dân Việt đăng tải bức tâm thư của ông Lê Đình Hoàng- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty Cà phê 706 trực thuộc Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe), báo đã nhận được phản hồi của lãnh đạo Tổng công ty này. Sau phần trả lời của lãnh đạo Vinacafe trên Báo Dân Việt, ông Hoàng đã tiếp tục có thư phản hồi và cung cấp thêm những sự thật ở Vinacafe.
Bình luận 0

img

Một vườn cà phê của Vinacafe Việt Nam- Ảnh: Thanh Tra

Dân Việt xin trích đăng nguyên phần nội dung mà ông Hoàng đã gửi phản hồi:

Thứ nhất: Tôi nhất trí là Tổng công ty (TCT) đang làm đúng lộ trình, nhưng về tiến độ thì tôi khẳng định là chậm bởi lẽ:

Năm 2016 TCT tiến hành thí điểm cổ phần hóa 3 đơn vị là Công ty TNHH MTV Ia Blan (Gia Lai), Công ty TNHH MTV 734 (Kon Tum), Công ty 715B (Đăk Lăk). Theo quyết định của cấp có thẩm quyền, 3 công ty này phải hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2016 và hoạt động theo loại hình công ty cổ phần từ 01.1.2017.

Vậy nhưng đến 31.3, Công ty Ia Blan mới dừng lại ở khâu xác định giá trị doanh nghiêp; Công ty 734 thì đang thua lỗ nghiêm trọng đến gần trăm tỷ đồng, Giám đốc công ty đang chạy đôn chạy đáo để làm viêc với công ty mua bán nợ.

Mà nếu không bán được nợ thì coi như cổ phần hóa thất bại. Như vậy rõ ràng việc cổ phần hóa ở TCT không những chậm mà nguy cơ không thành công là rất lớn nếu với tinh thần chỉ đạo như hiện nay. Tôi nói chậm là hoàn toàn có cơ sở.

Hai là: Về cơ chế khoán trắng theo kiểu phát canh thu tô

Vì sao tôi nói như vậy, dẫu biết rằng các công ty nông nghiệp về nguyên tắc đều phải thực hiện theo nghị định 135-CP/2005 của Chính phủ. Tuy nhiên, trên thực tế thì các công ty ở Đăk Lăk đang xảy ra điều gì đã rõ rồi. Tôi chỉ nói ở Gia Lai và Kon Tum.

Ở Gia Lai, TCT có 8 doanh nghiệp thì chỉ có Công ty cà phê Đăk Đoa là có đầu tư một phần. Ở Kon Tum, 4 công ty  thì chỉ có 1 công ty khoán có chi phí, còn lại 3 công ty khoán trắng. Như vậy riêng 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum đã có 10 công ty khoán theo kiểu “5 không”: Không vật tư phân bón, không nước tưới, không tiền lương, không bảo hiểm, không kinh phí công đoàn.

Các chi phí nêu trên do công nhân tự lo liệu. Công ty chỉ giao vườn cây cho người lao động nhận khoán, cuối năm thu về một lượng sản phẩm nhất định tuỳ từng đơn vị. Như vậy nên gọi loại hình khoán này là gì ? Nói đích danh là khoán trắng cũng được, cho thuê vườn cây cũng được mà phát canh thu tô cũng đâu có sai?

img

Ông Lê Đình Hoàng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cà phê 706.

Ba là: Về Thoái vốn bằng cách bán thẳng vườn cây cho người lao động:

TCT nói không nằm trong chương trình cổ phần hóa. Tôi cũng biết như vậy, nhưng đây là kiến nghị của tôi lên Thủ tướng. Theo tôi đó là phương án tốt nhất trong tình hình hiện nay, vừa phát huy tiềm năng đất đai, nhân lực và đặc biệt là tính hiệu quả rất cao, có lợi cho Nhà nước và người lao động…

Một thí dụ: Công ty CP giống cây trồng Vinacafe Tây nguyên (714 Phạm Văn Đồng thành phố Pleiku, Gia Lai) thuộc TCT cà phê Việt Nam. Khi giải thể, hơn 30ha cà phê đã được bán cho người lao động với giá 400 triệu đồng/ha; thu về 12 tỷ đồng. Người lao động vô cùng phấn khởi bởi vừa được quyền làm chủ thực sự đất đai, tăng hiệu quả sản xuất vừa và được đảm bảo chế độ, quyền lợi đúng quy định của pháp luật…

Nếu còn nghi ngờ về hiệu quả của việc thoái vốn bằng cách bán thẳng vườn cây cho người lao động thì xin  hãy làm thí điểm một vài công ty trong đội hình sẽ biết được tính hiệu quả của nó…

*Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sư việc này.       

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem