Sức mua từ Mỹ, Nhật Bản tăng vọt, 67 doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc bán một sản phẩm thế mạnh, thu 553 triệu USD

Khánh Nguyên Thứ ba, ngày 12/04/2022 19:23 PM (GMT+7)
Trong khi giá tôm tại Trung Quốc đang tăng cao do nguồn cung thấp thì xuất khẩu tôm của Việt Nam tiếp tục lập kỷ lục do sức mua tăng vọt từ Mỹ, Nhật Bản.
Bình luận 0

Xuất khẩu tôm tiếp tục lập kỷ lục nhờ sức mua từ Mỹ, Nhật Bản 

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) xuất khẩu thủy sản, trong đó có xuất khẩu tôm của Việt Nam rất khả quan trong quý I/2022.

Cụ thể, tháng 3/2022, xuất khẩu thủy sản đạt 202.000 tấn, trị giá 900 triệu USD, tăng 8,4% về lượng và tăng 22,4% về trị giá so với tháng 3/2021.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản ước đạt 307.000 tấn, trị giá 2,41 tỷ USD, tăng 18,5% về lượng và tăng 38,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong tháng 2/2022, tôm các loại là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất về trị giá, đạt 24.400 tấn, trị giá 242,75 triệu USD, tăng 42,6% về lượng và tăng 55,6% về trị giá so với tháng 2/2021. 

Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm các loại đạt 55.500 tấn, trị giá 553,4 triệu USD, tăng tới 30,9% về lượng và tăng 47,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, xuất khẩu thủy sản quý I/2022 đạt kết quả cao nhất so với quý I hàng năm từ trước tới nay, báo hiệu một năm xuất khẩu thủy sản có nhiều triển vọng tăng trưởng tốt. 

Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại do nhu cầu tiêu dùng thủy sản toàn cầu có thể sẽ chững lại với tác động của lạm phát và tình trạng khó khăn trong hoạt động vận chuyển. 

Trong khi đó, dịch Covid-19 trên toàn cầu dần được kiểm soát, hoạt động nuôi trồng thủy sản dần phục hồi, nguồn cung tăng lên sẽ tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường, giá thủy sản có khả năng giảm trong thời gian tới. 

Sức mua từ Mỹ, Nhật Bản tăng vọt, 67 doanh nghiệp Việt Nam tăng tốc bán một sản phẩm thế mạnh, thu 553 triệu USD - Ảnh 1.

2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu tôm các loại đạt 55.500 tấn, trị giá 553,4 triệu USD, tăng tới 30,9% về lượng và tăng 47,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nguồn: VASEP.

Tại sao xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng cao?

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi giảm mạnh trong 2 quý cuối năm ngoái, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản những tháng đầu năm nay đã ghi nhận tăng trưởng dương.

Tính tới nửa đầu tháng 3/2022, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt trên 113 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản trong 2 năm gần đây chưa ghi nhận tăng trưởng.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản năm 2020 đạt hơn 613 triệu USD, giảm 0,9%. Năm 2021, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đạt 578 triệu USD, giảm 6% so với năm 2020. 

Tốc độ tăng trưởng dương đạt được trong xuất khẩu tôm sang Nhật Bản những tháng đầu năm nay là một tín hiệu khả quan.

VASEP cho biết, hiện, Nhật Bản là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ (chiếm khoảng 15% tỷ trọng).

Tháng 3 năm nay, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu của 67 doanh nghiệp tôm Việt Nam với các sản phẩm xuất khẩu chính như: tôm phủ bột đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm tẩm bột xù, tôm thẻ PDTO Nobashi đông lạnh, tôm sú hấp đông lạnh, tôm chân trắng còn đuôi luộc đông lạnh, tôm thẻ bóc vỏ bỏ đầu bỏ đuôi hấp đông lạnh, tôm thẻ hấp đông lạnh…

Theo Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), tháng 1/2022, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt gần 176 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2021. Top 3 nguồn cung lớn nhất gồm Việt Nam, Indonesia và Thái Lan. 

Năm 2021, nhập khẩu tôm của Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2020. Top 5 nguồn cung tôm lớn nhất cho Nhật Bản gồm Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan, Argentina. 

Việt Nam vẫn là nguồn cung tôm lớn nhất trên thị trường Nhật Bản, chiếm 24% thị phần. Tuy nhiên, Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh mạnh hơn với tôm Ấn Độ và Indonesia trên thị trường Nhật Bản. 

Hiện, Chính phủ Nhật Bản đang dần nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới và bình thường hóa các hoạt động kinh tế-xã hội.

Nhật Bản đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh với 106 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm Mỹ, hầu hết châu Âu và nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Theo nhận định của VASEP, Việt Nam và Nhật Bản đều đang là thành viên của 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm thủy sản bao gồm tôm của Nhật Bản còn rất lớn. Do vậy, xuát khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản có nhiều cơ hội tăng trưởng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem