Tái cơ cấu lại Tập đoàn Vingroup, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm còn 7,6 tỷ USD

19/01/2020 16:06 GMT+7
Tái cơ cấu lại hoạt động của Tập đoàn Vingroup đã khiến tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng sụt giảm 44 bậc, còn 7,6 tỷ USD, còn nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục tăng thêm 400 triệu USD lên 2,8 triệu USD.

Năm 2019, Việt Nam lần đầu tiên có 5 tỷ phú USD trong danh sách của Forbes. Bên cạnh những gương mặt quen thuộc như tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo và Trần Bá Dương, năm vừa qua, Forbes đã ghi nhận thêm 2 gương mặt mới là Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang và Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh.

Theo cập nhật mới nhất của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup, đã không còn nằm trong top 200 người giàu nhất hành tinh. Thứ hạng của ông Vượng trong danh sách tỷ phú của Forbes đã giảm 44 bậc, từ vị trí 195 vào tháng 8/2019 xuống vị trí 239 với tài sản 7,6 tỷ USD tại ngày 18/1/2020, xếp ngay trên một số thành viên của gia tộc người Mỹ sở hữu hãng bánh kẹo Mars.

Trước đó, ngày 4/3/2019, với tổng tài sản 6,6 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng được xếp hạng thứ 239 thế giới, tăng 260 bậc từ vị trí 499 vào năm 2018. Đến cuối tháng 7/2019, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục vươn lên đứng thứ 195 trong danh sách những người giàu nhất hành tinh của Forbes với khối tài sản 8,25 tỷ USD.

Một phần nguyên nhân giúp tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng mạnh là sự tăng trưởng của bộ ba “cổ phiếu họ Vin” là VIC, VHM và VRE.

Cụ thể, giá cổ phiếu VHM của Vinhomes đã tăng từ 87.800 đồng ngày 29/7 lên 88.200 đồng ngày 31/7. Giá cổ phiếu VRE của Vincom Retail cũng tăng từ 36.750 đồng lên 36.950 trong cùng hai thời điểm trên.

 
Tái cơ cấu lại Tập đoàn Vingroup, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm còn 7,6 tỷ USD - Ảnh 2.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Tuy nhiên, năm 2019 cũng là năm ghi nhận nhiều sự thay đổi bên trong Tập đoàn Vingroup do tỷ phú Phạm  Nhật Vượng điều hành.

Sau khi nhận đầu tư 1 tỷ USD từ tập đoàn SK của Hàn Quốc vào tháng 5/2019, 1 tháng sau, Vingroup chính thức khánh thành nhà máy VinFast tại Hải Phòng.

Tới đầu tháng 12/2019, Vingroup ra thông báo sáp nhập 2 công ty con là VinCommerce (bán lẻ) và VinEco (nông nghiệp) vào Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang nhằm thực hiện tái cấu trúc hoặc giải thể các công ty con không thuộc ưu tiên cốt lõi và nhằm tập trung nguồn lực cho VinFast và VinSmart.

2 tuần sau, Vingroup tuyên bố giải thể chuỗi điện máy VinPro dù mới mua lại hệ thống bản lẻ điện thoại Viễn ThôngA một năm trước. Trang thương mại điện tử Adayroi ngừng hoạt động, được sáp nhập vào VinID.

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiết lộ tham vọng bán các dòng xe ô tô điện thương hiệu VinFast ở thị trường Mỹ, châu Âu và Nga vào năm 2021. Để hoàn thành kế hoạch đó, ông Vượng dự định sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ USD từ tài sản cá nhân của mình.

Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ, trong vài năm tới, Vingroup sẽ phải dành khoảng 18.000 tỷ đồng mỗi năm để bù lỗ cho VinFast. Thua lỗ sẽ bao gồm khấu hao và khoản bù lỗ khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm vì bán xe ở mức rẻ hơn chi phí.

 
Tái cơ cấu lại Tập đoàn Vingroup, tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng giảm còn 7,6 tỷ USD - Ảnh 3.

Tỷ phú Phạm Thị Phương Thảo

Với tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, dù tiếp tục có mặt trong danh sách tỷ phú USD năm 2019 của Forbes, nhưng tài sản của bà đã giảm từ mức 3,1 tỷ USD xuống còn 2,3 tỷ USD, tính đến 4/3/2019. Theo đó, thứ hạng của nữ tỷ phú tự thân duy nhất ở khu vực Đông Nam Á, cũng giảm mạnh từ vị trí 766 xuống 1.008. Theo cập nhật mới nhất của Forbes, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đạt 2,8 tỷ USD, xếp hạng 1.008.

Lý do là trong vòng 1 năm, kể từ mức đỉnh trên sàn niêm yết cả hai cổ phiếu VJC của Hãng hàng không Vietjet và HDB của Ngân hàng HDBank, nơi bà Thảo giữ vị trí phó chủ tịch thường trực đều giảm giá mạnh, tương ứng khoảng 33% và 40%.

Song năm 2019 cũng là năm thứ 3 liên tiếp, bà Nguyễn Thị Phương Thảo xuất hiện trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới 2019 của Forbes. Trước đó, bà Thảo cung có tên trong danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019.

Bên cạnh vị thế dẫn đầu tại thị trường hàng không nội địa. Mục tiêu của Vietjet là vươn ra khu vực khi hãng này mở rộng không ngừng các đường bay quốc tế tới các nước và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Campuchia, Hồng Kông, Đài Loan...

“Chiến lược của chúng tôi là mở rộng tới bất kỳ thị trường nào trong bán kính 2.500 km để có thể bao phủ khu vực chiếm một nửa dân số thế giới”, bà Thảo đã nhắc tới điều này trong lần chia sẻ với Forbes nhân dịp lọt vào danh sách 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2019.

Theo Dân Việt
Cùng chuyên mục