Tại sao chứng khoán Mỹ tăng mạnh bất chấp biểu tình lan rộng
Nasdaq Composite trong phiên cuối tuần đã trở thành chỉ số đầu tiên tại chứng khoán Mỹ trở lại mức cao nhất mọi thời đại. Phiên bứt phá cuối tuần cũng giúp S&P 500 thu hẹp đà giảm từ đầu năm còn 1,1%. Trước đó, chỉ số này từng giảm hơn 30% khi Covid-19 bùng phát tại Mỹ. DJI cũng thu hẹp đà giảm chỉ còn 5% so với mức giảm gần 35% hồi tháng 3.
Tính chung cả tuần, khoảng thời gian sóng gió của nước Mỹ với phong trào biểu tình lan rộng sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, các chỉ số chính của Phố Wall vẫn tăng 3,4-6,8%, đánh dấu một trong những tuần tăng mạnh nhất gần đây.
CNBC đã hỏi nhiều chuyên gia vì sao nước Mỹ đang sôi sục với biểu tình, nhiều thành phố bị ảnh hưởng nhưng chứng khoán vẫn tăng. Câu trả lời chung nhất là nhà đầu tư và giới phân tích cho rằng, việc biểu tình có thể chỉ là biến cố trong ngắn hạn, tác động không quá lớn đến xu hướng mở cửa trở lại của nền kinh tế. Điều này cũng không làm thay đổi kỳ vọng của nhà đầu tư trong trung - dài hạn.
"Vấn đề lớn nhất với tình trạng bất ổn xã hội hiện nay là trong hai tuần tới liệu điều này có khiến làn sóng Covid-19 trở lại và khiến nền kinh tế quay về tình trạng đóng cửa hay không. Đó mới là điều gây ảnh hưởng đến thị trường", Steven DeSanctis, chiến lược gia đầu tư tại Jefferies, nhận xét.
Trong khi đó, Lori Calvasina, chiến lược gia phụ trách đầu tư tại RBC, cho rằng các cuộc biểu tình có thể trở thành vấn đề nếu điều này tác động đáng kể đến niềm tin của người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp, khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, cả hai chuyên gia này cùng thấy, dù có những dự báo về khả năng tác động, điều này cũng bị lấn át bởi những thông tin tích cực của nền kinh tế. Đặc biệt khi số việc làm mới đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và hướng sự chú ý của họ vào bức tranh kinh tế có phần tươi sáng hơn của Mỹ.
Bộ Lao động Mỹ hôm 5/6 công bố nền kinh tế này đã tạo thêm 2,5 triệu việc làm trong tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống còn 13,3%. Các số liệu này vượt xa dự báo của các nhà kinh tế học, cho thấy Mỹ đang tiến gần thời điểm kinh tế bật tăng trở lại.
"Sự vận động của thị trường là một cơ chế đánh giá kỳ vọng của tương lai. Họ đầu tư với tầm nhìn 6 tháng, 9 tháng so với hiện tại. Nền kinh tế Mỹ và thu nhập các doanh nghiệp sẽ quay trở lại. Những thông tin tiêu cực vì thế sẽ dần lắng xuống", DeSanctis đánh giá.
Các gói kích thích tài chính và tiền tệ mạnh mẽ đã giữ thị trường cổ phiếu ổn định và đến nay, hầu hết nhóm ngành bị ảnh hưởng cũng đã phục hồi nhanh chóng. Những lĩnh vực như hàng không, công nghiệp, tài chính hay năng lượng đã tăng trở lại, lấy lại được đà giảm trước đó, thậm chí còn vượt qua đỉnh cũ nhờ kỳ vọng vào sự mở cửa trở lại sẽ khiến đà phục hồi diễn ra nhanh hơn.
"Một chu kỳ kinh doanh mới đang bắt đầu. Bạn không nên tập trung quá vào việc định giá. Đây mới là giai đoạn đầu của chu kỳ kinh doanh", Barry Knapp, nhà quản lý tại Ironsides Macroeconomics nói.
Một lý do khác là dữ liệu trong quá khứ đã chứng minh tình trạng bất ổn thường qua nhanh, và đà phục hồi diễn ra ngay sau đó với tốc độ cao.
Tình trạng bất ổn, dẫn đến thiệt hại ở hàng chục thành phố khiến một số nhà đầu tư liên tưởng tới năm 1968, một năm đầy biến động của Mỹ. Những cuộc bạo loạn và biểu tình lan rộng, bên cạnh những cuộc ám sát nhắm tới các chính khách. Tuy nhiên, chứng khoán Mỹ khi đó vẫn tăng trở lại mạnh mẽ. Sau khi giảm 9% trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 3/1968, S&P đã tăng trở lại 24% và kết thúc cao hơn 7,6%.
Barry Knapp cho rằng so sánh tốt hơn có thể là năm 1958 hoặc 1980. Trong cả hai trường hợp, kinh tế và thị trường chứng khoán đã có một giai đoạn giảm nhanh, nhưng chỉ trong khung thời gian ngắn, và Phố Wall đã phục hồi ngay sau đó.