Tại sao ngân hàng chưa 'ngấm đòn' Covid-19
Ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank, cho rằng ngành tài chính vẫn chưa thấy hết ảnh hưởng từ đại dịch bởi chưa biết bao giờ khủng hoảng kết thúc.
Dù cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, ngân hàng vẫn là một trong những điểm sáng trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh bán niên. Nhóm ngân hàng top đầu ghi nhận lợi nhuận tương đương cùng kỳ, thậm chí tăng trưởng hai chữ số.
Riêng VPBank báo lãi trước thuế nửa đầu năm tăng hơn 50%, đạt hơn 6.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, chia sẻ tại Diễn đàn "từ sống sót đến thịnh vượng" chiều ngày 20/8, người đứng đầu nhà băng này vẫn đánh giá rất thận trọng về ảnh hưởng từ đại dịch với lĩnh vực ngân hàng.
"Chúng ta chưa nhìn thấy hết ảnh hưởng, bởi chưa biết bao giờ khủng hoảng này kết thúc. Hiện tại vẫn là quá sớm để nói về điều gì trong tương lai", ông Nguyễn Đức Vinh, CEO VPBank nói.
Không riêng ông Vinh, lãnh đạo các doanh nghiệp khác cũng nghĩ vậy. Khảo sát từ hơn 100 lãnh đạo các doanh nghiệp lớn tại sự kiện này, "Covid-19 khi nào sẽ kết thúc", hai đáp án được chọn nhiều nhất là giữa và cuối năm 2021, gần 20% chọn phương án "không thể xác định".
Là một CEO kỳ cựu trong ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng nên thận trọng bởi đại dịch sẽ có tác động ngay đến kinh tế, đến các ngành sản xuất, tiêu dùng rồi sau đó mới "ngấm" tới tài chính - ngân hàng.
Tuy nhiên, nếu so sánh với cuộc khủng hoảng một thập kỷ trước, ngành tài chính vẫn có những lợi thế. Đầu tiên là xuất phát điểm của cuộc khủng hoảng. 10 năm trước, khủng hoảng bắt đầu từ chính ngành ngân hàng trước khi lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế. Còn khủng hoảng lần này xuất phát từ vấn đề y tế. Hiện trạng của ngành tài chính - ngân hàng, sức chịu đựng và khả năng thích ứng cũng tốt hơn trước rất nhiều. Các nhà băng đã rút ra được "bài học đau thương" từ cuộc khủng hoảng 2007-2008.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng lần này, riêng với VPBank, ông Vinh cho biết ngân hàng này xác định ba trọng tâm lớn.
Đầu tiên là xác định thứ tự ưu tiên cần bảo vệ. Ông Vinh giải thích, bảo vệ không phải co cụm, dừng hoạt động mà là đánh giá tình hình và đưa ra biện pháp phù hợp. Với nhà băng này, lực lượng lao động, nguồn lực con người được xác định là yếu tố quan trọng nhất cần bảo vệ. "Mất tiền, mất đồ, chúng ta có thể còn kiếm được nhưng không có lực lượng, tan rã tổ chức thì rất khó phục hồi", ông Vinh nói.
Xếp sau đội ngũ lao động là cán bộ quản lý, cổ đông và các khách hàng. Bảo vệ cổ đông, theo ông Vinh, để tránh trường hợp cổ phiếu bị bán tháo trên thị trường, còn khách hàng là nguồn thu chính giúp duy trì hoạt động của ngân hàng.
Tham gia trong phân khúc bán lẻ, tiêu dùng, quy mô khách hàng của VPBank lên tới hàng chục triệu, bao gồm cả những phân khúc dưới chuẩn thuộc Công ty tài chính FE Credit. Nhóm khách hàng này được đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Trong số 70.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tập khách hàng của VPBank, đến 70% bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong số hơn 140.000 tiểu thương là khách hàng, 60% phải dừng hoạt động trong giai đoạn giãn cách. CEO VPBank cho biết việc tiết giảm chi phí để giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng cũng là một trong những chiến lược bảo vệ ngân hàng trong đại dịch.
Tiếp đến là mục tiêu tìm cơ hội ngắn hạn. "Đi trên một con thuyền, con thuyền gặp bão thì chúng ta phải bỏ bớt hành lý không có giá trị. Phải chấp nhận hy sinh để tìm cái mới, để tồn tại", ông Vinh nói và cho biết nhờ chiến lược chọn lọc trong nửa đầu năm mà doanh thu VPBank vẫn tăng dù chi phí hoạt động giảm.
CEO VPBank nói rằng mọi người phải luôn suy nghĩ về tương lai hậu đại dịch bởi có rất nhiều thứ sẽ thay đổi, người tiêu dùng sẽ hành xử, chi tiêu khác đi, chuỗi cung ứng sẽ biến đổi. Chiến lược hiện nay không thể dùng khung thời gian 5, 10 năm để xây dựng mà phải vừa làm vừa nghiên cứu, vừa đánh giá vừa sửa. Như VPBank, chỉ trong ba tháng từ tháng 4 đến tháng 7, nhà băng này đã ba lần chỉnh sửa và điều chỉnh các kịch bản kinh doanh.
"Tôi không nghĩ ai có thể tránh bị đau từ cuộc khủng hoảng lần này. Nhưng quan trọng là làm cách nào để khi bước ra khỏi nó mà ít tổn thương nhất", ông Vinh nói.