Tại sao phân biệt xe ngoại tỉnh chở hàng hoá không được vào TP.Hà Nội?
Đến nay, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải chở hàng hoá đi vào các TP.Hà Nội, TP.HCM và các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã có chỉ đạo tới các Bộ, địa phương về việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch Covid-19.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã dán thẻ nhận diện phương tiện có mã QR Code) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Ngày 26/7, tại buổi toạ đàm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho vận tải hàng hóa, bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Thời gian qua, đã có nhiều ý kiến về công tác phòng chống dịch Covid-19 trong vận chuyển hàng hóa. Từ các ý kiến này, trong các cuộc họp trước đây về công tác phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi đã lắng nghe và đưa vào các giải pháp phòng chống dịch trong công tác vận tải".
Bên cạnh đó, đã có nhiều đơn vị vận tải tổ chức quản lý lái xe trước và sau chuyến đi. Một số doanh nghiệp gom chung lái xe lại, thực hiện "3 tại chỗ", trước, trong và sau vận chuyển, hạn chế lái xe tiếp xúc với người bên ngoài để phòng ngừa dịch bệnh cho lái xe cũng như để lái xe nếu có mầm bệnh không lây lan ra cộng đồng.
Hiện nay, chúng ta đã tổ chức thành công "luồng xanh" hàng hoá để tạo ưu tiên thuận lợi không chỉ hàng thiết yếu mà còn phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19. Chúng ta gọi là hàng thiết yếu là nói ngắn gọn, bởi Văn bản 4349 của Bộ Công thương đã có những hướng dẫn rất cụ thể về danh mục hàng thiết yếu.
Đồng thời, Văn bản 2601 của Văn phòng Chính phủ cũng có hướng dẫn, chúng tôi đã treo hướng dẫn này trên hệ thống luồng xanh để doanh nghiệp biết hàng nào được ưu tiên vận chuyển trên luồng xanh.
Hệ thống "luồng xanh" đã có, nhưng các tài xế và người ngồi trên xe phải đảm bảo mọi quy định về phòng chống dịch, không phải cứ xe luồng xanh là không kiểm tra, là người trên xe, tài xế không xét nghiệm, không chấp hành các quy định 5K.
Trước những vấn đề về công tác lưu thông hàng hoá tại các địa phương có dịch Covid-19 và làm sao đưa ra cách hiểu thống nhất về hàng hoá thiết yếu? ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết: "Vừa qua có thể thấy có sự khác biệt giữa các địa phương trong áp dụng biện pháp phòng chống dịch và cách hiểu văn bản hướng dẫn, do đó đã gây bức xúc trong doanh nghiệp".
Ông Hải đánh giá: "Giải pháp "luồng xanh" do Bộ GTVT đang xây dựng cũng là một trong những giải pháp tốt để tháo gỡ ách tắc trong lưu thông hàng hoá. Hay việc phân loại đối tượng shipper để tạo điều kiện cho hoạt động giao hàng thiết yếu, cho thấy đã có sự điều chỉnh linh hoạt trong hoạt động chống dịch tại các địa phương".
Đáng chú ý, ông Hải đặt câu hỏi: "Tại Hà Nội đang cấm xe biển số ngoại tỉnh. Nếu các xe ngoại tỉnh nhưng vẫn chở hàng hoá thực phẩm vào thành phố thì tại sao lại cấm? Vậy biện pháp này dựa trên cơ sở nào, có khoa học hay không? Bản chất chống dịch là làm sao để ngăn chặn sự lây lan. Phải chăng ưu tiên đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc thay vì hạn chế hoàn toàn?.
Theo ông Hải, khi lái xe vào nhận hàng, không xuống khỏi cabin thì đã đáp ứng được đủ yêu cầu giãn cách hay chưa? Nếu đáp ứng thì nên tạo điều kiện cho lái xe hoạt động thay vì cấm ngay tại cửa ngõ.
Vừa qua, các doanh nghiệp cũng bức xúc rất nhiều về cách hiểu và áp dụng khác nhau về giá trị test nhanh Covid-19 có được công nhận như PCR hay không. Hay thời hạn hiệu lực của các loại hình xét nghiệm như thế nào khi địa phương chỉ áp dụng 1-2 ngày, trong khi có địa phương từ 7-10 ngày.
Đáng nói trong bối cảnh hiện nay việc lấy được giấy xét nghiệm rất khó khăn, nhất là tại địa phương không có đủ điều kiện. Do đó, Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia nên có hướng dẫn thống nhất ngay, tránh tình trạng mỗi địa phương áp dụng theo 1 kiểu, góp phần tạo ra sự bình ổn và lưu thông hàng hoá tốt hơn.
Về hàng hoá thiết yếu, ông Hải cho biết, Bộ Công thương đã có công văn gửi cho các địa phương để thống nhất cách hiểu. Trước đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn, trong đó nêu danh sách các hàng hoá thiết yếu cụ thể. Tuy nhiên, đây chỉ là một số hàng hoá có thể liệt kê, thực tế còn tuỳ theo tình hình địa phương, tránh tình trạng cản trở lưu thông vô lý và cần sự vào cuộc các bộ ngành địa phương, làm sao đảm bảo công tác chống dịch nhưng cũng phải trên cơ sở phân tích, tính toán khoa học để thực hiện mục tiêu kép Chính phủ đã đề ra.