Tăng hơn 1.000ha đất xây dựng nhà ở xã hội tại Hà Nội và TP. HCM

08/03/2024 18:21 GMT+7
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390 ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031 ha. Trong đó, Hà Nội và TP. HCM đã quy hoạch tăng thêm hơn 1.000ha để phát triển nhà ở xã hội. Đây là bước đà để thực hiện đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo của các địa phương cho biết, cả nước hiện đã quy hoạch 1.249 khu đất với quy mô 8.390ha làm nhà ở xã hội, tăng thêm 5.031ha. Trong đó, Đồng Nai tăng thêm 1.063 ha, Long An tăng thêm 577ha, Hải Phòng tăng thêm 471ha. Đặc biệt, Hà Nội và TP. HCM quy hoạch tăng thêm 1.020ha đất phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, Hà Nội tăng thêm 412ha và TP. HCM tăng thêm 608ha.

Về việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết thành phố hiện có 81 thửa đất có thể phát triển nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 50ha. Trong đó có 42 thửa đất đã có đủ điều kiện để lập chủ trương đầu tư. Chương trình phát triển nhà ở của thành phố đến năm 2030 xác định, đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành khoảng 1,25 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, đến 2030 hoàn thành 2,5 triệu m2.

"Với nhu cầu lớn như vậy, thành phố đã chủ động dành hơn 400ha để phát triển nhà ở xã hội; bố trí năm khu nhà ở xã hội tập trung với tổng diện tích 270ha, hơn 1 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 15.000 căn hộ. Hiện thành phố đang chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát quỹ đất ở 20%, 25% tại các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để phát triển mới các dự án nhà ở xã hội", ông Phong cho biết thêm.

Tăng hơn 1.000ha đất xây dựng nhà ở xã hội tại Hà Nội và TP. HCM- Ảnh 1.

Hà Nội tăng thêm 412ha diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội (Ảnh: TN)

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, quy hoạch xác định thành phố sẽ phát triển mới khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, chủ yếu tại các khu vực phát triển mới, các đô thị vệ tinh, đô thị sinh thái, để thu hút dân cư ra khỏi các khu vực đô thị trung tâm, gắn kết với nơi làm việc mới, đồng bộ với mục tiêu phát triển theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng). Định hình quỹ đất cho nhà ở xã hội phù hợp với xu thế phát triển, gắn với nhu cầu của người dân đô thị về chỗ ở và điều kiện hạ tầng, Hà Nội đang có những bước đi chiến lược, bài bản trong phát triển nhà ở xã hội.

Cũng theo Bộ Xây dựng, cả nước đã có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai, với quy mô 411.250 căn. Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 71 dự án, với quy mô 37.868 căn. Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 127 dự án, với quy mô 107.896 căn. Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 301 dự án, với quy mô 265.486 căn.

Tuy nhiên, một số địa phương chưa quy hoạch bố trí quỹ đất nhà ở xã hội như: Ninh Bình, Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đồng Tháp... Một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội lớn, nhưng việc đầu tư còn hạn chế so với mục tiêu của đề án đến năm 2025. Cụ thể, Hà Nội mới có 3 dự án, với 1.700 căn, đáp ứng 9% nhu cầu; TP. HCM 7 dự án, 4.996 căn, đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án, 2.750 căn, đáp ứng 43%... Đặc biệt, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay như: Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Long An, Quảng Ngãi.

Để thúc đẩy hoạt động đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh các địa phương cần căn cứ mục tiêu của đề án và chỉ tiêu theo phụ lục nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024; khẩn trương lập kế hoạch triển khai cụ thể việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội bảo đảm mục tiêu đề ra. Đối với các dự án đã khởi công, đề nghị các địa phương thường xuyên đôn đốc để hoàn thành dự án ngay trong năm 2024.

Riêng đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, các địa phương cần khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng để khởi công, xây dựng ngay trong năm 2024.


Thái Nguyễn
Cùng chuyên mục