Tăng thêm 50.000ha lúa thu đông ở đồng bằng sông Cửu Long: Nhiều địa phương kêu khó, không thực hiện được

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 03/08/2023 12:35 PM (GMT+7)
Đối với chủ trương tăng thêm 50.000ha lúa thu đông (vụ 3) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ngành nông nghiệp một số địa phương cho biết, không thực hiện được.
Bình luận 0

Liên quan đến thông tin Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) có kế hoạch nâng diện tích lúa thu đông ở ĐBSCL từ 650.000ha lên 700.000 ha (tức tăng 50.000ha) để đón thời cơ giá cả và nhu cầu tiêu thụ tăng, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, sẽ tăng diện tích ở từng địa phương "mỗi nơi một ít", không tập trung vào một địa phương nào.

Chủ trương tăng 50.000 ha lúa thu đông ở ĐBSCL: Có địa phương không thực hiện được, vì sao? - Ảnh 1.

Đối với chủ trương tăng 50.000 ha lúa thu đông ở ĐBSCL của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), ngành nông nghiệp một số địa phương cho biết, không thực hiện được. Trong ảnh, nông dân huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ gieo sạ lúa Thu Đông 2023.

"Mặc dù kế hoạch gieo sạ lúa thu đông đã có từ lâu rồi (trước tháng 6/2023) nhưng do giá lúa tăng nên Cục Trồng trọt khuyến cáo cố gắng tăng thêm diện tích" - ông Tùng thông tin thêm.

Tại Cần Thơ, khi được hỏi về tăng diện tích lúa thu đông, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP. Cần Thơ cho biết: "Đến nay, người dân Cần Thơ đã xuống giống xong vụ lúa thu đông, tương đương diện tích cùng kỳ. Do đó, thành phố sẽ không tăng được diện tích lúa vụ này."

Về nguyên nhân không tăng diện tích lúa thu đông, ông Nghiêm cho rằng, thực tế trong thời gian gần đây, giá lúa mà nông dân bán ra tăng không đáng kể.

Đối với vùng trồng lúa nhỏ lẻ như các quận: Bình Thủy, Phong Điền, Cái Răng, hệ thống thủy lợi phục vụ cho cây lúa không đảm bảo nên không thể tập trung xuống giống nhiều và thực tế năng suất lúa thu đông vùng này không hiệu quả, gặp nhiều rủi ro. Còn đối vùng trồng lúa tập trung như ở huyện Cờ Đỏ, huyện Thới Lai, người dân chuyển đổi sản xuất qua cây màu, thủy sản cho hiệu quả tốt hơn.

"Trong điều kiện thị trường tốt như hiện nay, đối với vụ lúa thu đông và vụ đông xuân tới, ngành nông nghiệp thành phố sẽ đẩy mạnh các giải pháp kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ, xây dựng thương hiệu gạo tốt hơn. Về diện tích khai thác đã hết, không thể mở rộng thêm" - ông Nghiêm nói thêm.

Tại Kiên Giang, đến nay, nông dân trong tỉnh đã kết thúc việc gieo sạ lúa thu đông 2023. Do đó, không thể tăng thêm diện tích cho vụ này. "Bây giờ đã tháng 8 rồi, tỉnh không còn gieo sạ lúa thu đông nữa, nếu gieo sạ thêm sẽ đụng thời gian gieo sạ vụ sau", ông Lê Hữu Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang nói.

Theo ông Toàn, mỗi năm, tỉnh Kiên Giang có khoảng từ 70.000-80.000ha diện tích lúa thu đông. Riêng năm nay, kế hoạch 71.000ha, đến nay, gieo sạ được 74.000ha, xem như là đạt và vượt kế hoạch.

Tai Hậu Giang, theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Giang cho biết, tỉnh không có kế hoạch mở rộng diện lúa thu đông. Tuy nhiên, có khuyến cáo người dân trồng lúa vụ 3 (lúa thu đông) nếu có đê bao kiên cố.

Bà Giang cho biết, Hậu Giang không có kế hoạch mở rộng diện lúa thu đông là do nhiều năm qua, trong điều kiện mưa bão, ở một số vùng, người dân trồng lúa không có lời đã chuyển sang rau màu, thủy sản cho thu nhập cao hơn, hiệu quả hơn.

Theo tính toán, với năng suất trung bình 5,7 tấn/ha vụ ở vụ thu đông, nếu tăng thêm 50.000ha, sẽ có thêm khoảng 325.000 tấn lúa , tương đương được khoảng 200.000 tấn quy gạo để tăng cường xuất khẩu thêm. Với giá xuất khẩu gạo như hiện nay, việc tăng thêm 50.000ha lúa thu đông, có thể đem về hơn 100 triệu USD từ gạo xuất khẩu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem