Tăng thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến "sức khỏe" doanh nghiệp
Triển khai nhiều giải pháp tăng thu ngân sách
Sáng 23/5, phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ của Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc -đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Bình Định cho biết, năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện hóa đơn điện tử (từ ngày 1/7/2022), góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước với một khoản tăng thu đáng kể.
Năm 2022 cũng là năm Bộ Tài chính triển khai việc thu thuế chuyển nhượng bất động sản theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, nhờ đó đã góp phần tăng thu ngân sách khoảng 21.000tỷ đồng.
Giải trình sự quan tâm của đại biểu Quốc hội về điều hành chính sách tài khóa, đặc biệt là tốc độ thu ngân sách năm 2023 giảm so với năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, sở dĩ năm 2023 thu ngân sách tốc độ thấp hơn năm 2022 do năm 2022 tăng trưởng kinh tế 8,02%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng năm 2023 chỉ 5,05%.
Bên cạnh đó, trong năm 2023, thuế nội địa giảm khoảng 27 nghìn tỷ đồng, tức giảm khoảng 2% so với năm 2022. Riêng thu từ dầu thô chỉ đạt 79% do giá dầu năm 2022 là 104,7 USD/thùng nhưng năm 2023 giảm chỉ còn 88 USD/thùng. Điều này làm giảm thu ngân sách trong năm 2023, chỉ đạt khoảng 79,4%, tức giảm 16.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, về xuất nhập khẩu năm 2023, do lạm phát, tình hình xung đột Nga-Ukraine kéo dài nên các quốc gia thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của Việt Nam. Theo đó, xuất nhập khẩu năm qua đã giảm 66.800 tỷ đồng, đạt 76,6%.
"Đó là những nguyên nhân chính làm cho tốc độ thu ngân sách năm 2023 không được như năm 2022", Bộ trưởng cho hay.
Bộ trưởng cho biết thêm, trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã nỗ lực tìm mọi biện pháp để tăng thu ngân sách nhưng không làm ảnh hưởng đến tình hình "sức khỏe" của doanh nghiệp, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, Bộ đã có giải pháp, tìm cách thu những khoản thu tiềm năng, những khoản mà trước đây chưa thu được như từ sàn thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cũng theo Bộ trưởng, năm 2022 cũng là năm triển khai cổng thông tin điện tử và thu thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới; đồng thời triển khai thực hiện Chương trình "hóa đơn may mắn".
Theo đó, hiện đã có 93 tổ chức, công ty công nghệ của nước ngoài đã nộp thuế ở Việt Nam, như YouTube, Google, Facebook, Microsoft… đã kê khai nộp thuế trên cổng thông tin điện tử nộp thuế sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của Bộ Tài Chính, đạt 14.500 tỷ đồng.
Tiếp tục giảm thuế 2% VAT đến hết năm 2024
Liên quan thu thuế sàn thương mại điện tử trong nước, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ, năm nay, Bộ Tài chính sẽ tập trung thu thuế đối với kinh doanh mua bán online. Theo đó, Bộ đã kết nối cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế vào cơ sở dữ liệu dân cư của Bộ Công an và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để kiểm soát các khoản thanh toán trên sàn thương mại điện tử.
Bộ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt. Thông qua đó, sẽ thu được khoản thuế trong lĩnh vực này. Bộ trưởng thông tin, trong gần 2 quý vừa qua đã thu được gần 50.000 tỷ đồng từ các khoản thu này.
"Đây là một nỗ lưc rất lớn của Bộ Tài Chính, với những sáng kiến, sáng tạo, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thì mới có thể triển khai thực hiện được", Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời cho biết đã xây dựng phần mềm để kiểm soát hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử qua mạng để chống gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT).
Ngoài ra, Bộ cũng đưa ra giải pháp kết nối máy tính tiền ở các nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp đến cơ quan thuế, đồng thời đưa ra giải pháp quay số hóa đơn theo mã số hóa đơn may mắn… để khuyến khích người dân lấy hóa đơn, nếu trúng mã sẽ được thưởng.
Mới đây, Bộ Tài chính đã triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với các cửa hàng xăng dầu trong toàn quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 100% các cửa hàng trên toàn quốc thực hiện xuất hóa đơn theo từng lần bán hàng. Các dữ liệu này cũng được kết nối với dữ liệu của cơ quan thuế.
"Chúng tôi phải liên tục sáng tạo, có sáng kiến, áp dụng đúng pháp luật để thu các khoản thu tiềm năng, thu đúng, thu đủ vào ngân sách trong điều kiện kinh tế đất nước và doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Liên quan đến các chính sách tài khóa để khoan sức dân, hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, năm nay, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các giải pháp về thuế, phí, lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong 3 năm qua, mỗi năm giảm, gia hạn nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trung bình khoảng 200.000 tỷ đồng/năm.
Cùng với đó, hiện đang kiến nghị Quốc hội phương án tiếp tục giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% trong 6 tháng cuối năm 2024 cho nhiều đối tượng như đang thực hiện.
"Đây là những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, tăng cường tập trung thu ngân sách, cân đối chính sách tài khóa, dùng nguồn tăng thu, vượt thu để đầu tư hệ thống đường cao tốc, sân bay, bến cảng, các công trình trọng điểm quốc gia", Bộ trưởng thông tin.