Tăng trưởng huy động gần gấp đôi tín dụng, liên ngân hàng lập kỷ lục “tiền rẻ”
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo về thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng, trong đó khẳng định NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng nghiệp vụ thị trường mở nhằm đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng.
Điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với cung cầu ngoại tệ, đảm bảo thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thông suốt, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức và cá nhân; củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước khi điều kiện thị trường thuận lợi.
Điều hành giữ ổn định các mức lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Tiếp tục điều hành tín dụng phù hợp với nhu cầu vốn của nền kinh tế.
1,27 triệu tỷ đồng dư nợ được hạ lãi suất
Đặc biệt, thời gian qua NHNN triển khai các giải pháp điều hành kịp thời, hiệu quả nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nền kinh tế, giảm thiểu tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay một cách bền vững trong thời gian tới, góp phần giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.
Đến ngày 13/7/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 210 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 1,17 triệu tỷ đồng cho hơn 247 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Riêng Ngân hàng chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho gần 154 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 3.884 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 1,2 triệu khách hàng với dư nợ gần 44 nghìn tỷ đồng.
Tăng trưởng huy động gần gấp đôi tín dụng, liên ngân hàng lập kỷ lục "tiền rẻ"
Tính đến ngày 28/7, huy động vốn tăng 5,31%, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%).
Về lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1- 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7-4,25%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,4 - 6,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6,0-7,3%/năm đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức khoảng 6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn; Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh thuộc lĩnh vực ưu tiên ở mức 5,0%/năm.
Lãi suất thị trường liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức thấp. Đến ngày 24/7/2020, lãi suất liên ngân hàng qua đêm 0,15%/năm; kỳ hạn 1 tuần 0,20%/năm; kỳ hạn 2 tuần 0,43%/năm; kỳ hạn 1 tháng 0,54%/năm.
Giới phân tích nhìn nhận, đây cũng là kỷ lục "tiền rẻ" trên thị trường liên ngân hàng nhiều năm qua. Xu hướng này được tiếp tục dự báo sẽ nối tiếp trong tháng nay, khi lãi suất VND kỳ hạn 1 tuần trên thị trường liên ngân hàng dự tính sẽ chỉ xoay quanh 0,3%/năm, thậm chí nhiều thành viên dự báo rơi về quanh 0,25%/năm.
Về tỷ giá, tính đến ngày 27/7/2020, tỷ giá trung tâm ở mức 23.216 VND/USD, tăng 0,26% so cuối năm 2019; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng dao động quanh mức 23.182 VND/USD, tăng 0,05% so với cuối năm 2019; tỷ giá niêm yết mua-bán của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương ở mức 23.090/23.270 VND/USD, thay đổi -0,09%/+0,17% so với cuối năm 2019.