Tập trung đào tạo nhân lực thiết kế mỹ thuật

Anh Thơ (ghi) Thứ ba, ngày 24/11/2020 06:37 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam (ảnh), để phát triển các ngành nghề nông thôn hiệu quả, phải đẩy mạnh đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực, nhất là nhân lực thiết kế mỹ thuật để có những ý tưởng sáng tạo mới...
Bình luận 0
Tập trung đào tạo nhân lực thiết kế mỹ thuật - Ảnh 1.

Sau 2 năm thực hiện Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn, Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả phát triển các cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn hiện nay?

- Việc thực hiện Nghị định 52 tập trung vào xây dựng các tiêu chí công nhận làng nghề và hỗ trợ các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn. Sau 2 năm, đến nay trên cả nước đã có 817.000 cơ sở sản xuất kinh doanh ngành nghề nông thôn, trong đó 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 4.000 HTX, tăng 14% so với trước khi có Nghị định 52.

Việc phát triển các ngành nghề nông thôn cũng góp phần tạo việc làm cho 2,3 triệu lao động, với thu nhập cao hơn lao động thuần nông. Đây là định hướng tốt để chuyển đổi ngành nghề nông thôn, nơi nào sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thì có thể chuyển sang làm các ngành nghề nông thôn. Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn hiện nay đạt 236.200 tỷ đồng, tăng 40.000 tỷ đồng (20,5%) so với năm 2017. Giá trị xuất khẩu các sản phẩm của ngành nghề nông thôn lên đến 2,3 triệu USD. Đặc biệt, trong 9 tháng năm 2020, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng cũng tăng trưởng 10% so với cùng kỳ năm 2019.

Tập trung đào tạo nhân lực thiết kế mỹ thuật - Ảnh 2.

Nghề mây tre đan Phú Nghĩa (Hà Nội) phát triển mạnh. Ảnh: T.L

Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, các địa phương đã rà soát và công nhận được 25 nghề truyền thống, 94 làng nghề và làng nghề truyền thống và thu hồi giấy chứng nhận của 106 làng nghề do không đáp ứng được tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52/2018. Như vậy, đến nay cả nước có 165 nghề truyền thống; 1.951 làng nghề, trong đó có 1.062 làng nghề và 889 làng truyền thống đã được công nhận.

Để khơi dậy được "mỏ vàng" làng nghề này, các địa phương cần làm gì?

- Từ những con số phát triển ngành nghề nông thôn trong 2 năm qua có thể thấy, phát triển ngành nghề nông thôn cần tiếp tục được đẩy mạnh phát triển, góp phần thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hội nhập kinh tế quốc tế.

Để khơi dậy được tiềm năng này, các địa phương cần tạo điều kiện, xây dựng các cơ chế chính sách để doanh nghiệp, HTX và người làm nghề sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị. Theo đánh giá về thị trường, nhiều ngành nghề có tiềm năng phát triển tốt như gốm sứ, thủ công mỹ nghệ, thêu dệt… Nếu phát triển theo chuỗi giá trị, chúng ta có thể tạo sức bật chinh phục được nhiều thị trường khó tính. Thực tế, những sản phẩm gốm sứ, mây tre đan, thủ công mỹ nghệ… của Việt Nam đã vươn tới 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, đem lại thu nhập cao cho người dân, chứng tỏ những sản phẩm từ bàn tay khéo léo, tinh tế của người thợ Việt đã chinh phục được người tiêu dùng.

Tới đây, Bộ NNPTNT sẽ tập trung các giải pháp gì để thúc đẩy phát triển ngành nghề nông thôn, thưa Thứ trưởng?

- Trong giai đoạn tới, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục rà soát, đổi mới cơ chế chính sách, khắc phục những hạn chế, yếu kém và đẩy mạnh triển khai áp dụng cơ chế, chính sách vào thực tiễn. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, đề án dự án phát triển ngành nghề nông thôn, bảo tồn phát triển nghề, làng nghề truyền thống; tổ chức công nhận nghề làng nghề; công nhận và tôn vinh nghệ nhận, thợ giỏi; hỗ trợ tín dụng, đổi mới ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ hạ tầng, mở rộng mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại.

Quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định: Rà soát đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung ổn định để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất ngành nghề, làng nghề.

Hỗ trợ và tạo điều kiện mặt bằng đất đai để xây dựng một số trung tâm bảo tồn và phát triển sáng tạo các ngành nghề thủ công chủ lực của Việt Nam. Đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề theo hướng: Gắn kết chương trình phát triển làng nghề với chương trình phát triển du lịch.

Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo thiết kế mỹ thuật để có nhiều ý tưởng sáng tạo, đồng thời nâng cao vai trò của hiệp hội ngành nghề nông thôn. Chúng tôi đang hỗ trợ ban vận động thành lập hiệp hội gốm sứ, mây tre đan, thêu dệt ở cấp quốc gia để tập trung nguồn lực bảo tồn, phát triển ngành nghề nông thôn.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem