Tết Tân Sửu, không lo thiếu thực phẩm

Khánh Nguyên Thứ hai, ngày 18/01/2021 07:14 AM (GMT+7)
Theo Bộ NNPTNT, trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2021, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt, trứng sẽ tăng từ 5-10% so với bình quân, trong đó nhu cầu thịt các loại khoảng 250.000 - 350.000 tấn/tháng; khoảng 1-1,1 tỷ quả trứng gia cầm…
Bình luận 0

Nhu cầu tăng 10% nhưng không lo thiếu

Chỉ tính riêng thị trường Hà Nội, theo tính toán, nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 ước khoảng 292.000 tấn gạo, 56.000 tấn thịt lợn, 19.000 tấn thịt gà, 18.000 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 315.000 tấn rau củ, 15.000 tấn thủy hải sản, 18.000 tấn thực phẩm chế biến, 156.000 tấn trái cây.

"Mặc dù nhu cầu của người dân tăng cao nhưng với việc duy trì ổn định đàn gia súc, gia cầm, tình hình tái đàn lợn đạt kết quả khả quan và tình hình dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, về cơ bản thị trường sẽ ổn định, cân đối cung-cầu đảm bảo không bị thiếu hụt thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021" – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tết Tân Sửu, không lo thiếu thực phẩm - Ảnh 1.

Tốc độ tái đàn lợn của nhiều địa phương tăng rất nhanh, không lo thiếu thịt lợn và giá không tăng đột biến. Ảnh: A.T

Ngăn chặn vận chuyển lợn trái phép sang Trung Quốc

Ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay, do sự chênh lệch giá cả lợn và sản phẩm từ lợn giữa Việt Nam và các nước láng giềng tương đối cao, nên có hiện tượng buôn bán, vận chuyển trái phép lợn qua biên giới giữa Việt Nam và các nước, đặc biệt là việc vận chuyển lợn từ Việt Nam sang Trung Quốc, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm lợn,… giữa các nước với Việt Nam.

Để đảm bảo nguồn cung thịt lợn cho dịp tết, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải kiểm soát, ngăn chặn được việc vận chuyển lợn trái phép sang Trung Quốc.

Theo Thứ trưởng Tiến, sở dĩ Bộ NNPTNT tự tin khẳng định điều này là vì ngay từ đầu năm 2020, Bộ NNPTNT đã tổ chức nhiều cuộc họp, chuyến công tác tại thực địa để kịp thời phát hiện, xử lý các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh ứng phó với dịch Covid - 19, duy trì phát triển sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đảm bảo chất lượng, an toàn.

Cụ thể, sản lượng lúa cả năm đạt 42,8 triệu tấn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu và chế biến, sử dụng làm thức ăn chăn nuôi. Sản lượng rau, đậu các loại ước đạt 18,2 triệu tấn, tăng 368.000 tấn; trong đó rau sản lượng ước đạt trên 18 triệu tấn, tăng 2,11%. Diện tích cây ăn quả tăng mạnh, đạt khoảng 1,1 triệu ha, tăng khoảng 32.800ha. Sản lượng và chất lượng các loại cây ăn quả chủ lực, có lợi thế của cả nước và từng vùng đều tăng, một số cây ăn quả sản lượng tăng từ 4 - 9%, như: Xoài 880.000 tấn, tăng 4,9%; thanh long 1,36 triệu tấn, tăng 8,8%; cam 1,1 triệu tấn, tăng 8,14%; bưởi 830.000 tấn, tăng 1,35%.

"Đáng nói là lĩnh vực chăn nuôi tăng đồng đều ở các lĩnh vực, tạo sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, gia trại, tập trung theo chuỗi sạch, hữu cơ, an toàn sinh học" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo đó, sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,37 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%; thịt bò 371.000 tấn, tăng 46%. Tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,4 triệu tấn, tăng 1,9% so với năm 2019; trong đó khai thác ước đạt 3,84 triệu tấn tăng 3,2%, nuôi trồng 4,56 triệu tấn tăng 3,9%.

"Với lượng thực phẩm dồi dào này hoàn toàn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước kể cả dịp Tết Tân Sửu và lễ hội xuân 2021, và chắc chắn sẽ không có biến động quá lớn về giá" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Không còn "rau hai luống, lợn hai chuồng"

Điều đáng ghi nhận là, bên cạnh nguồn cung thực phẩm được đảm bảo, đủ số lượng, chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản cũng được cải thiện rõ nét.

Theo đó, Bộ NNPTNT đã phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm ngay từ các yếu tố đầu vào và đẩy mạnh liên kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn trên toàn quốc.

Đến nay,đã có 430.000ha cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương với 6.045 doanh nghiệp được chứng nhận; 664 cơ sở nuôi thủy sản với diện tích nuôi trồng thủy sản là 15.833ha được cấp chứng nhận VietGAP và tương đương; 816 trang trại và 1.249 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP và tương đương, với sản lượng 608.144 tấn thịt và 315.034 triệu quả trứng.

Tết Tân Sửu, không lo thiếu thực phẩm - Ảnh 3.

Nông dân thị xã Kinh Môn (Hải Dương) phát triển trang trại gà siêu trứng. Ảnh: Nguyễn Chương

6 đoàn thanh tra liên ngành về an toàn thực phẩm

Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành Kế hoạch số 1993 về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và lễ hội Xuân 2021, từ ngày 1/1 đến hết 20/3/2021. Theo đó, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm giao các bộ: Y tế, NNPTNT, Công Thương thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm, gồm: Hà Nội, Hưng Yên, Bình Định, Phú Yên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lào Cai, Yên Bái, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Trà Vinh, Hậu Giang.

Đối tượng kiểm tra tập trung vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội, như các sản phẩm từ thịt, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm… và các cơ sở dịch vụ ăn uống.

Trên cả nước đã phát triển được 1.644 chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn (tăng 130 chuỗi so với cuối năm 2019); 2.088 sản phẩm đạt chuẩn theo bộ tiêu chí sản phẩm OCOP. Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được xếp loại A/B đạt 98%, tăng so với năm 2019 (97%). Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 72%, tăng so với 64% năm 2019.

Đã ngăn chặn triệt để việc sử dụng chất cấm Salbutamol trong chăn nuôi, tỷ lệ mẫu thịt gia súc, gia cầm tại cơ sở giết mổ và kinh doanh nhiễm hóa chất, kháng sinh chiếm 0,32%, giảm so với năm 2019; tỷ lệ mẫu thủy sản nuôi và khai thác nhiễm hóa chất, kháng sinh, kim loại nặng giảm xuống còn 1,17% so với 1,24% năm 2019. "Không còn tình trạng rau hai luống lợn hai chuồng" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Tuy vậy, để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021, Bộ NNPTNT đề nghị lãnh đạo địa phương và yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ chủ động triển khai đầy đủ các nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nông lâm thủy sản dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa lễ hội Xuân 2021; tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đặc biệt là đối với các sản phẩm tiêu dùng nhiều dịp tết tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản; các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp này như thịt, giò chả, thủy sản, rau, quả… để kịp thời phát hiện, xử lý, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem