Thái Nguyên: Thực hư việc Quyền Chủ tịch xã "gian lận" bằng cấp

Hà Thanh Thứ năm, ngày 11/06/2020 14:26 PM (GMT+7)
Mặc dù không có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể bắt buộc phải có Giấy chứng nhận tốt nghiệp THCS trước khi vào lớp 10 hệ Bổ túc, nhưng Ông Dương Văn Chúc – Quyền Chủ tịch UBND xã Thành Công (TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) vẫn đứng trước nguy cơ bị rút mất bằng cấp 3.
Bình luận 0

Ông Dương Văn Chúc – Quyền Chủ tịch UBND xã Thành Công, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đang bị tố "gian lận" bằng cấp. 

Theo tìm hiểu của Dân Việt, giai đoạn trước năm 1992, ông Chúc theo học tại trường THCS Thành Công, huyện Phổ Yên (nay là TX.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Nhưng do vấn đề sức khỏe nên ông không thể dự kì thi năm đó.

Đến năm 2001, ông đã nộp hồ sơ xin theo học THPT hệ bổ túc tại trung tâm giáo dục thường xuyên TX.Sông Công (nay là TP.Sông Công). Ngay từ khi nộp hồ sơ xin học, ông đã trình bày rõ việc thiếu bằng tốt nghiệp THCS, tuy nhiên việc này được lãnh đạo nhà trường khi đó đồng ý và chấp nhận cho ông theo học.

Năm 2003 (khi đang học lớp 11), ông Chúc được nhà trường yêu cầu phải có bằng THCS mới đủ điều kiện để dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Do vậy ông đã quay lại trường THCS Thành Công để đăng ký học lại bổ túc lớp 9 và dự thi kỳ thi THCS, khóa thi ngày 8/8/2003 và đã thi đỗ, được Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cấp bằng THCS. Năm 2004 ông thi đỗ kỳ thi THPT và được Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cấp bằng THPT. 

Thái Nguyên: Quyền Chủ tịch xã có nguy cơ bị rút mất bằng cấp 3 - Ảnh 2.

Ông Chúc trao đổi với PV báo Dân Việt ngày 4/6/2020

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Chúc cho biết: "Tôi là người có nhu cầu học nên khi xin học, nhà trường cho học thì tôi theo học. Giờ có ý kiến cho rằng việc học của tôi là sai, là trái quy định thì tôi cũng không biết là trái quy định ở đâu?"

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, sau khi có đơn tố cáo ông Dương Văn Chúc "gian lận" bằng cấp, UBKT Thị ủy Phổ Yên đã tiến hành kiểm tra, xác minh, đồng thời gửi văn bản xin ý kiến của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên về tính pháp lý của hai bằng THCS và THPT mà Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã cấp cho ông Dương Văn Chúc.

Trên cơ sở xin ý kiến của UBKT Thị ủy Phổ Yên, ngày 20/4, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên đã quyết định thành lập đoàn xác minh đối với quá trình học tập và thi cử của ông Chúc.

Tại biên bản làm việc của đoàn xác minh cùng ngày cho thấy việc học và thi của ông Chúc ở cả hai bậc học THCS và THPT là học thật, thi thật, bằng do Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên cấp cho ông Chúc khi ông thi đỗ ở cả kỳ thi THCS và THPT là bằng thật.

Tuy nhiên, tại Công văn số 727/SGDĐT – TTr ngày 22/4/2020 của Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên gửi UBKT Thị ủy Phổ Yên, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên lại cho rằng: "Với kết quả kiểm tra, xác minh như trên chưa đủ cơ sở pháp luật để khẳng định Bằng tốt nghiệp THCS, THPT (hệ bổ túc) đã cấp cho thí sinh Dương Văn Chúc là bằng hợp lệ hay không hợp lệ, Sở GD&ĐT tiếp tục làm việc với Bộ GD&ĐT để được hướng dẫn, chỉ đạo".

Ngày 28/5, Cục quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 799/QLCL – QLVBCC trả lời Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên về việc xử lý bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc của ông Dương Văn Chúc. 

Theo đó, Cục quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng việc tiếp nhận ông Dương Văn Chúc vào học chương trình BTTH năm 2001, Sở GD&ĐT Thái Nguyên cho phép ông Chúc tham dự thi tốt nghiệp bổ túc THPT và cấp bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc cho ông Dương Văn Chúc năm 2004 là không đúng quy định.

Thái Nguyên: Quyền Chủ tịch xã có nguy cơ bị rút mất bằng cấp 3 - Ảnh 3.

Văn bản của Bộ Giáo dục & Đào tạo đề nghị Sở Giáo dục & Đào tạo Thái Nguyên cân nhắc không thu hồi bằng THPT của ông Dương Văn Chúc

Song cũng tại văn bản này, Cục quản lý chất lượng – Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định: "Việc cho phép ông Chúc theo học hệ THBT khi chưa đủ điều kiện và cho phép dự thi tốt nghiệp THPT hệ bổ túc là khuyết điểm của Trung tâm Hướng nghiệp – Dạy nghề Sông Công và của Sở GD&ĐT Thái Nguyên tại thời điểm đó. Thẩm quyền và trách nhiệm xử lý sai phạm này là của Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên.

Tuy nhiên, do các văn bản của Bộ GD&ĐT tại thời điểm đó còn chưa đầy đủ, xét đặc thù của phương thức giáo dục không chính quy và quyền lợi của người học, đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên cân nhắc không áp dụng Điều 25, Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp THCS, bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ giáo dục quốc dân ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT – BGDĐT ngày 29/11/2019 của Bộ GD&ĐT để thu hồi, hủy bỏ bằng tốt nghiệp THPT hệ bổ túc của ông Dương Văn Chúc".

Thái Nguyên: Quyền Chủ tịch xã có nguy cơ bị rút mất bằng cấp 3 - Ảnh 4.

Văn bản trả lời xác minh văn bằng gửi UBKT Thị ủy Phổ Yên, Sở Giáo dục & Đào tạo Thái Nguyên chỉ nêu tính bất cập trong việc tiếp nhận học và cấp bằng THPT đối với ông Dương Văn Chúc là trái quy định mà không đề cập đến việc bảo vệ quyền lợi của người học

Văn bản của Bộ GD&ĐT nêu rõ là vậy. Thế nhưng trong văn bản số 1042/SGDĐT –TTr ngày 1/6/2020 trả lời xác minh văn bằng gửi UBKT Thị ủy Phổ Yên, Sở GD&ĐT tỉnh Thái Nguyên lại chỉ nêu tính bất cập trong việc tiếp nhận học và cấp bằng THPT đối với ông Dương Văn Chúc là trái quy định mà không đề cập đến việc bảo vệ quyền lợi của người học như văn bản của Cục quản lý chất lượng – Bộ GDĐT đã đề nghị.

Thái Nguyên: Quyền Chủ tịch xã có nguy cơ bị rút mất bằng cấp 3 - Ảnh 5.

Ông Lê Duy Vỵ - Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên bày tỏ quan điểm cần bảo vệ quyền lợi của người học đối với trường hợp ông Dương Văn Chúc

Trao đổi với PV báo Dân Việt, ông Lê Duy Vỵ - nguyên Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên (nay là Chủ tịch hội khuyến học tỉnh Thái Nguyên) cho rằng: "Đối với trường hợp của anh Dương Văn Chúc, Sở GDĐT cần xác minh một cách cụ thể. Nếu anh Chúc học thật, thi thật và đỗ thật thì nên cân nhắc trong vấn đề xử lý.

Bởi vì trường hợp như anh Chúc ở thời điểm đó là rất nhiều và Bộ GDĐT khi đó cũng không có văn bản hướng dẫn mang tính chất luật lệ mà chỉ có hướng dẫn cho nợ bằng. Có thể nợ 1 năm, 2 năm, thậm chí có những trường hợp nợ đến 3 năm, miễn là đến khi thi THPT, thí sinh phải có bằng tốt nghiệp THCS.

Như vậy nếu anh Chúc có học thật, thi thật thì tôi cho rằng bằng của anh ấy là chính đáng do vậy cần phải bảo vệ thành quả học tập của anh ấy".

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem