Thẩm phán Mỹ bác lệnh cấm TikTok và WeChat, chính quyền Trump chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý dài hơi

21/09/2020 09:31 GMT+7
Một thẩm phán Mỹ ở California hôm 20/9 (giờ Mỹ) đã bác quyết định cấm tải xuống 2 ứng dụng TikTok và WeChat mà chính quyền Trump ban hành trước đó.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết kể từ 20/9, các cửa hàng ứng dụng dành cho thiết bị di động ở Hoa Kỳ sẽ không được phép phân phối hoặc duy trì các ứng dụng WeChat hoặc TikTok. Ảnh: @Brent Lewin / Bloomberg.

Thẩm phán Mỹ bác lệnh cấm TikTok và WeChat, chính quyền Trump chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lý dài hơi

Cụ thể, Thẩm phán Laurel Beeler của Tòa Sơ thẩm Mỹ ở California đã bác quyết định của Bộ Thương mại Mỹ về việc buộc Apple và Google xóa hai ứng dụng Trung Quốc là TikTok và WeChat khỏi cửa hàng dữ liệu chung kể từ hôm 20/9. Theo thẩm phán Laurel Beeler, việc người dùng WeChat nộp đơn kiện “đã cho thấy những vấn đề nghiêm trọng” liên quan đến lệnh cấm của Bộ Thương mại.

Hiện phía Bộ Thương mại Mỹ và Nhà Trắng đều chưa đưa ra bình luận nào. 

Trước đó, sáng 19/9 giờ Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ cấm tải xuống 2 ứng dụng Trung Quốc là TikTok và WeChat kể từ Chủ Nhật 20/9. Đây được xem là một động thái  thực thi lệnh hành pháp mà Trump công bố hôm 6/8 về việc cho ByteDance 45 ngày để hoàn tất thương vụ bán đứt TikTok Mỹ về tay một doanh nghiệp Mỹ bất kỳ hoặc đối mặt với lệnh cấm cửa hoàn toàn. WeChat, một trong những ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất trên toàn cầu thuộc sở hữu của công ty mẹ Trung Quốc Tencent cũng chịu số phận bị cấm tương tự. Lệnh hành pháp của Trump viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ trước nguy cơ chính phủ Trung Quốc tiếp cận được dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Mỹ thông qua các ứng dụng phổ biến này. 

Một quan chức Bộ Thương mại giấu tên đã tiết lộ các bước tiếp theo từ sau lệnh cấm có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn đến việc sử dụng ứng dụng của người dùng Mỹ, kể cả những người đã tải ứng dụng về máy. “Người dùng sẽ gặp phải một số vấn đề rối loạn chức năng nhất định” và không thể cập nhật phiên bản mới của ứng dụng sau ngày 20/9. Vị này cũng cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến pháp lý kéo dài vì phía TikTok đã đâm đơn kiện quyết định này. 

Hôm 19/9, Tổng thống Donald Trump cho biết ông đã chấp thuận một thỏa thuận trong đó Oracle và Walmart của Mỹ sẽ hợp tác với ứng dụng chia sẻ video TikTok, qua đó tránh nguy cơ ứng dụng này bị cấm cửa và buộc phải ngừng hoạt động tại Mỹ. Theo thỏa thuận này, Oracle sẽ mua lại 12,5% cổ phần TikTok còn Walmart nắm 7,5% cổ phần. Thêm vào đó, các quỹ đầu cơ mạo hiểm Mỹ hiện nắm 40% cổ phần công ty mẹ TikTok là ByteDance. Như vậy, về mặt nguyên tắc, ông Trump có thể tuyên bố TikTok hiện do doanh nghiệp Mỹ nắm giữ phần lớn cổ phần.

Kể từ hồi tháng 7, khi căng thẳng Mỹ Trung leo thang, TikTok đã bị cuốn vào cuộc chiến công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới do chính quyền Trump viện dẫn mối quan ngại an ninh quốc gia. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sau đó cho biết chính quyền Trump đang xem xét TikTok như một công ty công nghệ do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn, tương tự trường hợp của hai công ty Trung Quốc đã lọt danh sách đen là Huawei và ZTE.

Ông Pompeo cũng cho biết Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với các cơ quan liên quan bao gồm Bộ Thương mại và Bộ Quốc phòng để hạn chế nguy cơ các công ty thu thập dữ liệu người dùng và cung cấp cho chính phủ Trung Quốc.

Các quan chức Mỹ từ lâu đã quan ngại về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ hàng tỷ USD, đồng thời gây ra mối đe dọa lớn với an ninh quốc gia.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục