Mỹ cấm tải TikTok và WeChat từ 20/9, TikTok nói "đã nhượng bộ quá nhiều"
Thông báo được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Trump tiếp tục xem xét về đề xuất mà ByteDance trình lên Bộ Tài chính Mỹ, trong đó công ty công nghệ Mỹ Oracle sẽ trở thành đối tác công nghệ tin cậy, nắm giữ một phần cổ phần TikTok Mỹ.
Việc cấm tải xuống 2 ứng dụng Trung Quốc phổ biến là TikTok và WeChat được cho là động thái của chính quyền Trump nhằm thúc đẩy ý định ban đầu buộc ByteDance “bán đứt” TikTok Mỹ cho một doanh nghiệp Mỹ.
“Theo chỉ đạo của ngài Tổng thống, chúng tôi đã thực hiện những động thái quan trọng để chống lại nguy cơ Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ một cách trái phép, qua đó thúc đẩy các giá trị quốc gia, các chuẩn mực dựa trên quy tắc dân chủ và tích cực thực thi luật pháp Mỹ” - Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết trong thông báo.
Như vậy, Bộ Thương mại Mỹ đang thực thi lệnh hành pháp mà Trump công bố hôm 6/8 về việc ByteDance 45 ngày để hoàn tất thương vụ bán đứt TikTok Mỹ về tay một doanh nghiệp Mỹ bất kỳ hoặc đối mặt với lệnh cấm ở Mỹ. Thời hạn này sẽ kết thúc vào Chủ Nhật 20/9. Còn WeChat, một trong những ứng dụng tin nhắn phổ biến nhất trên toàn cầu thuộc sở hữu của công ty mẹ Trung Quốc Tencent cũng chịu số phận bị cấm tương tự. Lệnh hành pháp của Trump viện dẫn những lo ngại về an ninh quốc gia Mỹ trước nguy cơ chính phủ Trung Quốc tiếp cận được dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Mỹ thông qua các ứng dụng phổ biến này.
Theo lệnh này, kể từ 20/9, các công ty Mỹ sẽ bị cấm phân phối dịch vụ từ 2 ứng dụng WeChat và TikTok. Điều này đồng nghĩa với việc hai cửa hàng ứng dụng di động lớn do Apple và Google điều hành sẽ phải xóa 2 ứng dụng này khỏi thư viện ứng dụng chung. Lệnh cấm của Bộ Thương mại Mỹ cũng không cho phép các doanh nghiệp Mỹ cung cấp các dịch vụ “với mục đích chuyển tiền hoặc xử lý các khoản thanh toán trên nước Mỹ” thông qua ứng dụng WeChat.
Tuy vậy, thông báo từ Bộ này cũng cho TikTok một khoảng thời gian đến ngày 12/11 để giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia của Mỹ. Trong trường hợp TikTok không đưa ra được giải pháp hợp lý vào hạn chót, các công ty Mỹ sẽ không được phép cung cấp dịch vụ, thậm chí là không gian lưu trữ internet cho TikTok. Điều khoản này trực tiếp nhắm đến thỏa thuận đang được đàm phán giữa công ty Mỹ Oracle và công ty mẹ Trung Quốc ByteDance về việc Oracle sẽ trở thành đối tác công nghệ cung cấp dịch vụ đám mây cho TikTok
Theo Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, lệnh cấm sẽ ảnh hưởng khác nhau đến TikTok và WeChat. Trong trường hợp TikTok, người dùng vẫn có thể sử dụng ứng dụng đã tải về máy bình thường nhưng không thể nâng cấp ứng dụng hay tải mới. Việc chặn hoàn toàn TikTok sẽ được thực thi sau ngày 12/11 nếu ByteDance không đề xuất được một giao dịch nào làm hài lòng chính quyền Trump.
Hạn chót cấm TikTok được công bố là ngày 12/11, tức hơn một tuần sau cuộc Bầu cử Tổng thống Mỹ 3/11. Điều này đồng nghĩa với việc Trump sẽ chịu nhiều áp lực từ việc cấm một ứng dụng có hơn 100 triệu người Mỹ sử dụng trước khi họ bỏ phiếu vào ngày Bầu cử.
Trong một tuyên bố mới nhất, TikTok cho biết ứng dụng này đã nhượng bộ rất nhiều trong nỗ lực giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia mà chính quyền Trump đưa ra, bao gồm cả việc chọn một công ty Mỹ như Oracle để lưu trữ dữ liệu và dịch vụ.
Trước đó, TikTok đã đâm đơn kiện chính quyền Trump vì ép công ty mẹ Trung Quốc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok Mỹ để bán cho một doanh nghiệp Mỹ. “Chính phủ Mỹ đã không tôn trọng các trình tự pháp lý, thậm chí cố gắng can thiệp thô bạo vào quá trình đàm phán của công ty. Nhằm đảm bảo pháp quyền không bị loại bỏ và công ty chúng tôi cũng như người dùng được đối xử công bằng, chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc phản đối sắc lệnh (cấm Tiktok) thông qua thủ tục pháp lý” - trích đơn kháng cáo mà TikTok đệ trình lên tòa án quận liên bang California.