Thận trọng khi giảm lãi suất

20/07/2020 09:22 GMT+7
Hiện có nhiều quan điểm khác nhau về dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam để kích thích tăng trưởng, bao gồm khả năng tiếp tục giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, một điểm chung trong các ý kiến đưa ra của giới phân tích, giảm lãi suất vẫn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường.

Tại phiên họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, khác với đa số các nước, dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ của chúng ta còn khá lớn cho kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng.

Do vậy, bên cạnh các giải pháp về phía chính sách tài khóa như tiếp tục xem xét giảm, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí... Thủ tướng yêu cầu ngành Ngân hàng tiếp tục xem xét hạ lãi suất để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp (DN) và người dân.

Trên thực tế, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành chính sách tiền tệ rất chủ động tích cực vừa giảm lãi suất vừa đưa nhiều gói tín dụng lớn. Thế nhưng mặc dù hiện mặt bằng lãi suất thấp hơn nhiều, song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu nên dư nợ cho vay 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019.

Vì vậy, để kích cầu vốn lên, theo quan điểm của một thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, có thể các ngân hàng xem xét giảm thêm lãi suất giúp cho DN tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, qua đó tiết giảm chi phí để gượng dậy trong cơn khó khăn này.

Ủng hộ chủ trương giảm lãi suất cho vay, nhưng vị chuyên gia này lưu ý, cần phải hết sức cân nhắc khi tiếp tục giảm lãi suất huy động. Bởi 6 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 4,19%, trong khi lãi suất ở các kỳ hạn ngắn tại nhiều ngân hàng đang dưới 4%/năm.

Cũng phải nói thêm rằng, mặt bằng lãi suất hiện thấp nhất trong 10 năm qua. Do vậy, việc tiếp tục giảm lãi suất huy động đầu vào trong thời gian tới cần phải cẩn trọng, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.

"Lãi suất giảm khiến chênh lệch giữa lãi suất và lạm phát bị thu hẹp, đồng nghĩa là dư địa chính sách tiền tệ cũng đang hẹp đi. Vì thế, giảm lãi suất vẫn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường. Bởi suy cho cùng, các chính sách phải đồng bộ đảm bảo hài hòa lợi ích của các chủ thể trong nền kinh tế không chỉ lợi ích của doanh nghiệp hay ngân hàng mà cần phải quan tâm đến người gửi tiền và các thành phần khác trong nền kinh tế. Việc hy sinh lợi ích của đối tượng này để xử lý vấn đề khác sẽ không bền vững", vị thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia nhìn nhận.

Ngược lại, TS. Trần Du Lịch cho rằng, không còn nhiều dư địa giảm sâu lãi suất và NHNN chỉ có thể làm trong tất cả khả năng của mình chứ không thể thúc ép việc giảm lãi suất một cách duy ý chí.

Về lý thuyết, để tạo thêm dư địa hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng phải giảm lãi suất huy động. Trên thực tế, từ cuối tháng 6, các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động tại nhiều kỳ hạn.

Mới đây nhất, Techcombank vừa giảm lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy với kỳ hạn 1 tháng giảm từ 3,5-4% xuống 3,15-3,65%/năm. Nếu nhận lãi trước, khách hàng được trả lãi suất 3%/năm. Vietcombank cũng vừa giảm thêm lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng còn 5,8%/năm, giảm 0,2%/năm. Trước đó, Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank đã đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi ở nhiều kỳ hạn, trong đó kỳ hạn ngắn từ 1-2 tháng giảm chỉ còn 3,7%/năm. Một số NHTMCP khác như VIB, VPBank, TPBank, HDBank… cũng giảm lãi suất đầu vào.

Thận trọng khi giảm lãi suất - Ảnh 2.

Giảm lãi suất vẫn phải căn cứ vào tín hiệu của thị trường (Ảnh minh họa)

Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo rằng, NHNN sẽ không chú trọng mục tiêu giảm thêm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2020. Thay vào đó, NHNN sẽ chuyển mục tiêu từ cố gắng giảm lãi suất sang các mục tiêu khác như: tháo gỡ các rào cản khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn sau dịch covid-19, nới room tín dụng cho các ngân hàng, thậm chí tái cấp vốn cho các dự án có độ lan tỏa cao.

Trong khi đó, theo chứng khoán Rồng Việt (VDSC), Việt Nam vẫn còn dư địa để kích thích tiền tệ hơn nữa. Trong bối cảnh tái khởi động nền kinh tế, VDSC tin rằng chính phủ các nước, bao gồm cả Việt Nam, cần phải quan sát tác động của việc nới lỏng tài chính và tiền tệ đối với sự phục hồi kinh tế trước khi đưa ra bất kỳ sự nới lỏng nào.

Theo VDSC, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đang phân phối lại giới hạn tín dụng giữa các ngân hàng thương mại, vẫn có nhiều dư địa để cắt giảm lãi suất. Hiện tại, CTCK muốn nhấn mạnh rằng các ngân hàng trung ương ưu tiên ổn định tài chính hơn ổn định giá cả. Theo đó, việc cắt giảm lãi suất đầy hứa hẹn nhằm khởi động lại nền kinh tế.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục