Thẳng tiến Hoàng Sa “rước Tết” về nhà

Đình Thiên Thứ hai, ngày 31/01/2022 13:00 PM (GMT+7)
Những ngày cuối năm, khi cái lạnh se se từ miền Bắc thổi về miền Trung thì ngư dân các tỉnh miền Trung lại rộn ràng chuẩn bị cho những chuyến ra khơi. Vươn biển ngày tết, bà con hy vọng những chuyến tàu đầy ắp cá tôm “chở Tết” về cho gia đình sau những tháng ngày khó khăn vì Covid-19.
Bình luận 0

Những ngày giáp cận Tết Nguyên đán, Đà Nẵng cũng như các địa phương lân cận vẫn chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, để thích ứng với đại dịch, các địa phương đã có các chỉ đạo phòng chống dịch phù hợp, phục hồi sản xuất kinh doanh… nên người dân có cơ hội buôn bán, làm ăn nuôi sống gia đình. Sức tiêu thụ hải thủy sản cũng có phần tăng lên và dự kiến sẽ tăng cao dịp cận Tết Nguyên đán, vì vậy ngư dân miền Trung đã chuẩn bị sẵn sàng cho những chuyến biển cuối năm đầy hy vọng.

Kỳ vọng lớn chuyến biển giáp tết

tat/ Thẳng tiến Hoàng Sa “rước Tết” về nhà - Ảnh 1.

Năm 2021, vì dịch Covid-19 nên nhiều tàu thuyền phải nằm bờ, ngư dân chỉ trông chờ vào những chuyến biển cuối năm. Ảnh: Đình Thiên

Theo Ban quản lý Âu thuyền Thọ Quang, do dịch bệnh nên số lượng tàu thuyền ra vào ít hơn mọi năm. Tuy nhiên, mấy tuần gần đây, mỗi ngày có hàng chục tàu của các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định… cập cảng bán hải sản. Với những chuyến biển cuối năm, chủ tàu các tỉnh đã cam kết hỗ trợ, liên kết giúp nhau trên biển với hy vọng tàu nào cũng trở về cũng đầy ắp cá tôm.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, những ngày cuối năm, tại Cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), có hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ đang neo đậu. Những ngày này, theo kinh nghiệm của các ngư dân miền Trung thì sóng biển "hiền như cục đất". Vì vậy, tất cả các chủ tàu thuyền lớn nhỏ đều tập trung nhân vật lực để chuẩn bị cho những chuyến ra biển Hoàng Sa, Trường Sa với hy vọng trúng luồng cá lớn, tết này có tiền mua áo quần mới cho mấy đứa con, đưa vợ mua đồ để thờ cúng ngày tết và sắm vật dụng gia đình…

Đang neo đậu tàu tại âu thuyền Thọ Quang, ông Phạm Hừng - chủ cặp tàu công suất hơn 1.000CV cho biết: "Chúng tôi cập cảng Thọ Quang để chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến ra biển dài ngày sắp tới đây. Chuyến đi lần này sẽ cận ngày Tết Nguyên đán mới cập bờ. Từ đầu năm nay, do dịch bệnh nên thu nhập của gia tôi và bạn thuyền viên) gần như không có. Tuy nhiên, chuyến biển này tôi cho chuẩn bị gần 600 cây đá cùng hàng chục tấn nguyên liệu khác với chi phí hơn 80 triệu đồng. Dù khó khăn nhưng tôi cũng cố gắng chuẩn bị đủ thứ để ra khơi, với hy vọng mình và các anh em thuyền viên ai ai cũng có chút tiền về lo cho vợ con, gia đình".

Còn ông Nguyễn Sơn - chủ tàu QNg 90322 ( huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) thì cho biết, mùa biển này ngư dân gặp không ít khó khăn vì giá nhiên liệu, ngư cụ liên tục tăng cao, nhưng ông và 20 bạn đi trên tàu của mình vẫn quyết định cho tàu thẳng tiến biển Hoàng Sa để thực hiện phiên biển cuối năm, kỳ vọng sẽ có chút tiền lo tết cho gia đình.

"Kinh nghiệm cho thấy, con nước trăng tháng 11-12 âm lịch hàng năm thì luồng cá sẽ dày đặc và lớn hơn những ngày thường. Vì vậy, chỉ cần trúng một chuyến cuối năm nay thôi là bằng 5-7 chuyến khác. Như cách đấy mấy năm, với chuyến biển hơn 1 tháng vào cuối năm, tôi thu lãi gần 1 tỷ đồng, anh em thuyền viên mỗi người được hơn 30 triệu về ăn tết. Năm nay khó lòng mà được như vậy, nhưng tôi tin rằng dù ít dù nhiều thì thuyền viên đều cũng có chút tiền lo lắng cho gia đình vì cận tết nhu cầu tiêu thụ hải sản luôn tăng cao".

tat/ Thẳng tiến Hoàng Sa “rước Tết” về nhà - Ảnh 3.

Tại Âu thuyền Thọ Quang, ngư dân bốc dỡ hàng hóa và chuẩn bị nguyên nhiên liệu cho chuyến biển cuối năm. Ảnh: Đình Thiên

Những ngày này, theo kinh nghiệm của các ngư dân miền Trung thì sóng biển "hiền như cục đất". Vì vậy tất cả ông chủ tàu thuyền lớn nhỏ đều tập trung nhân vật lực để chuẩn bị cho những chuyến ra biển Hoàng Sa, Trường Sa với hy vọng trúng luồng cá lớn, tết này mua áo quần mới cho mấy đứa con, đưa tiền cho vợ mua sắm đón tết và vật dụng gia đình.

Biển là nguồn sống

Những ngày này, tất thảy các chủ tàu neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang đều xác định tinh thần chuyến biển này bám ngư trường xa dài ngày và có thể ở lại ăn Tết Nguyên đán cổ truyền ở ngay trên biển. Vì thế rất nhiều chủ tàu đã chuẩn bị thêm các thứ đồ đậm hương vị tết như: Mứt, bánh kẹo, hạt dưa và cả rượu, bia...

Anh Nguyễn Sương (trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cho biết, tàu của anh nằm bờ nhiều tháng nay nhưng chuyến biển này anh đã sẵn sàng với hầm bảo quản cá được lắp mới. Bên cạnh đó, tàu cũng được lắp thêm máy đẩy cộng với 20 thuyền viên đầy hứng khởi, anh Sương tin rằng chuyến biển này tàu sẽ "cá nặng đầy khoang".

"Dịch dã, tàu nằm bờ, ngư dân bị chôn chân bao lâu nay khó chịu lắm. Chuyến biển cuối năm nay ai cũng mong đợi, vừa được làm việc yêu thích, vừa có tiền mang về. Hơn nữa, với những ngư dân quanh năm bám biển, xem biển quê hương như nguồn sống thì đi biển dịp tết cũng là góp phần giữ gìn lãnh hải đất nước. Với kinh nghiệm nhiều năm đón tết trên biển thì dịp Tết Nguyên đán, vùng biển Hoàng Sa của ta luôn có nhiều tàu nước ngoài xâm phạm lãnh hải đánh bắt trộm hải sản. Đã nhiều lần anh em ngư dân ăn tết trên biển phát hiện tàu nước ngoài xâm phạm và kịp thời báo với Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng… để ứng phó" - anh Sương chia sẻ.

tat/ Thẳng tiến Hoàng Sa “rước Tết” về nhà - Ảnh 5.

Những con tàu của ngư dân miền Trung đồng loạt ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: Đình Thiên

Còn ông Lê Mến (quận Hải Châu, Đà Nẵng) - chủ nhiều con tàu dịch vụ hậu cần lớn nhất miền Trung, hồ hởi cho biết: "Hai năm nay dịch dã hoành hành, 7 con tàu của gia đình chủ yếu neo đậu ở cảng vì rất ít tàu đánh bắt ra khơi. Mấy tháng lại nay, rất vui là tàu thuyền của Đà Nẵng cũng như các tỉnh ra khơi trở lại rất nhiều vì nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng trở lại. Gia đình tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi, cần thiết là sẽ huy động nhân lực cũng như cho tất cả các tàu hoạt động hết công suất để tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho các tàu đánh bắt trên biển dài ngày. Nếu cần thiết, ngay giữa tết mình cũng cho tàu chạy ra biển thu mua hải sản cho ngư dân và tiếp tế nguyên nhiên liệu".

Chị Trần Thị Đào - tiểu thương tại chợ cá Thọ Quang cho hay: "Mấy tuần lại đây, mới thường xuyên có tàu vào cảng bán hải sản. Dù giá cả không phải cao, cũng không ổn định nhưng có tàu vào, có buôn bán trao đổi là vui rồi chứ gần cả năm nay buồn thiu chú ạ. Thú thực, không chỉ ngư dân mà tiểu thương như chúng tôi cũng hy vọng cả vào những chuyến biển cuối năm này". 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem