Rời phố, tận hưởng hơi ấm thôn quê

Nguyễn Quỳnh Chủ nhật, ngày 30/01/2022 10:00 AM (GMT+7)
“Bỏ phố về quê” dường như đã trở thành ý tưởng và hiện thực hóa của rất nhiều người đang sống ở thành thị. Trong thời gian vừa qua, khi mọi lĩnh vực hoạt động đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, một số bạn trẻ đã trở về quê kinh doanh và chuẩn bị đón một cái tết đầm ấm bên gia đình.
Bình luận 0

Cô gái Nùng có khát vọng đưa nông sản, dược liệu vùng cao xuống núi

Từng sống và làm việc ở thành phố nhiều năm, bỗng một hôm Nông Cẩm Quỳnh (28 tuổi, quê Tuyên Quang) quyết định bỏ phố về quê sống cuộc sống bình dị, hạnh phúc. Quỳnh thẳng thắn chia sẻ: Tôi không muốn làm thuê và thích kiếm được nhiều tiền hơn so với số lương được nhận hàng tháng. Hơn nữa, tôi cũng muốn sống chậm lại, ở gần và chăm sóc bố mẹ những lúc ốm đau, dù gia đình có anh trai nữa.

Tuổi đời còn trẻ nhưng Quỳnh sớm nhận ra tiềm năng, cơ hội của những loại đặc sản vùng cao của quê hương mình. Hơn nữa, hiện nay các kênh vận chuyểncũng đa dạng, phát triển hơn xưa. Cô tự mày mò tìm nguồn hàng từ địa phương và các vùng lân cận, chọn lọc và thu mua: Từ thịt trâu, thịt lợn sấy, lạp sườn, măng khô, sâm đất đến các loại dược liệu chữa bệnh…

tat/ Rời phố, tận hưởng hơi ấm thôn quê - Ảnh 1.

Các clip bán nông sản, dược liệu của Nông Cẩm Quỳnh. Ảnh: T.L

"Trở về, để thấy gia đình vẫn luôn bên ta, để nhắc nhở ta về những dự định, lời hứa còn dang dở cần thực hiện. Và trở về là lúc ta nhận ra, hành trình trở về không phải lúc nào cũng dễ dàng và thực sự quý giá…".

Lê Thị Oanh

Khởi nghiệp đã khó, Quỳnh còn phải đối mặt với những lời bàn tán của người dân địa phương cho rằng cô là người thất bại ở thành phố nên mới trở về quê. Tuy nhiên, cô vẫn quyết tâm gầy dựng các kênh bán hàng của mình,

Tận dụng những kỹ năng truyền thông được học khi còn là sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Quỳnh tự lập tài khoản YouTube, Tik Tok, Fanpage Facebook… để quảng bá sản phẩm. Một ngày của Quỳnh bắt đầu từ sớm với đủ thứ việc từ set up máy móc, chuẩn bị nguyên liệu, sản phẩm quay, chuẩn bị nội dung (content) cho các video. Mỗi video chỉ vài phút nhưng có khi tốn 1-3 ngày mới hoàn thành. Quỳnh cũng tự dựng video và đăng tải, trả lời khách hàng.

Rời phố, tận hưởng hơi ấm thôn quê - Ảnh 3.

Nông Cẩm Quỳnh – cô gái Nùng có khát khao nâng tầm nông sản, dược liệu vùng cao. Ảnh: NVCC

2 năm toàn tâm toàn lực cho công việc, tài khoản của Quỳnh nhận được 57.000 lượt theo dõi, các clip Tik Tok của Quỳnh nhận được gầnn 20 triệu view. Có thời điểm, chỉ chục ngày Quỳnh bán được 3.000 đơn hàng. Quỳnh cũng tiết lộ, cô vừa bán được 2 tấn sâm đất chỉ trong vòng 3 ngày. Để kịp giao cho khách, Quỳnh cũng thuê thêm một số nhân lực địa phương để đóng hàng và trả công cao nên nhiều người rất thích và dành lời khen cho cô gái trẻ.

"Có một khó khăn là ở quê không thuê được nhân viên chốt đơn hàng và chăm sóc khách hàng nên mình phải thuê ở Hà Nội và tự mình làm lấy. Bắt đầu từ tháng 6/2021, người từ các đô thị về quê rất nhiều, họ cũng bắt đầu quan tâm, đầu tư vào mảng này nên sự cạnh tranh khốc liệt hơn. Thời điểm các thành phố phải giãn cách xã hội, khâu vận chuyển cũng khó khăn hơn trước" - Quỳnh chia sẻ.

Nông Cẩm Quỳnh cho biết, dù có những thách thức nhưng với niềm đam mê, muốn quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, có thương hiệu của mình cho người tiêu dùng cả nước, cô vẫn tràn đầy quyết tâm. Quỳnh đang từng bước liên kết với các hợp tác xã, tham gia OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) để nâng cao uy tín, chất lượng sản phẩm của mình.

Bỏ lại giấc mơ phố thị

11 năm học tập và sinh sống tại Hà Nội, Lê Thị Oanh (29 tuổi, Nghệ An) cũng đã từng theo đuổi giấc mơ an cư lạc nghiệp ở Thủ đô. Cô chọn Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) là nơi ấp ủ cho hoài bão của mình. Sau khi tốt nghiệp, Oanh bươn chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề như nhân viên du lịch, đào tạo khởi nghiệp…

Oanh kể: "11 năm sống ở Hà Nội là những ngày tháng thuê trọ. Mỗi đêm về, mình vẫn mơ về điều gì đó xa xôi mà cũng thật quen thuộc. Ở Hà Nội, lương mình làm cũng không dư dả mấy. Mỗi tháng chỉ đủ chi trả tiền trọ, tiền ăn và gửi về quê chút ít cho bố mẹ".

Từ ngày ở Hà Nội, Oanh đã ấp ủ ngày về làm gì đó ở quê hương. Và rồi, khi làn sóng dịch Covid-19 tràn tới, cảm thấyđây chính là thời điểm phù hợp, Oanh đã dứt khoát đưa ra quyết định trở về quê, bỏ lại sau lưng tất cả.

tat/ Rời phố, tận hưởng hơi ấm thôn quê - Ảnh 3.

Lê Thị Oanh hào hứng đón Tết Nhâm Dần 2022 bên người thân sau nhiều năm bươn trải ở thành phố. Ảnh: N.V

"Nói không lưu luyến thì chắc là nói dối mất rồi. Hơn một phần ba quãng đời đã sống đã gắn với nơi ấy thì sao mà đi dễ dàng cho được. Hà Nội đã chứa cả ước mơ một thời cấp ba của mình. Học đại học, tham gia tình nguyện, làm việc, gặp thầy, gặp bạn và bao nhiêu thế hệ đàn em yêu quý... Hà Nội cho mình những ngày rực lửa, sống trong nhiệt huyết và cháy hết mình với những sứ mệnh thật đẹp. Nơi trái tim của cả nước ấy cũng là nhịp cầu để mình đến thăm những nước bạn láng giềng, thêm những chuyến đi, trải nghiệm để đời. Cả những thành công nho nhỏ và những điều mình có thể làm tốt hơn" - Oanh chia sẻ.

Hồi mới về quê cô gái trẻ cũng đã từng thoáng nghĩ kiểu: "Có phải quyết định về quê là một phần của sự thất bại nơi mình đang đứng?", nhưng sau đó, cô hiểu rằng cuộc đời vốn là chặng đường không hề bằng phẳng. Và điều cuối cùng dẫn mỗi người đến thành công vẫn là sự kiên trì và không ngừng nghỉ phát triển hơn nữa mỗi ngày, dù là ở đâu đi chăng nữa.

Chia sẻ với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt, Oanh cho biết, năm trước ăn tết xa nhà nên tết năm nay là dịp cô rất mong chờ. Hiện, không khí đón tết ở quê cũng đã bắt đầu rộn ràng, nhà nhà đã lên lịch làm thịt bò, lợn, "đụng" thịt để dùng trong dịp tết, nhưng có lẽ thiêng liêng và được mong ngóng nhất vẫn là giây phút gia đình đoàn tụ, giây phút đón con cháu đi xa về.

"Năm nay, vì dịch bệnh, nhiều gia đình có con cái không về ăn tết được cũng là một nỗi buồn, thiếu vắng. Tự nhiên đến một lúc người ta lại muốn trở về, chỉ cần những thứ bình thường và những hạnh phúc rất bình dị. Sau dịch bệnh điều này lại càng rõ nét. Thấy mình và người thân còn sống, sống khỏe là tuyệt vời nhất" - Oanh tâm sự.

Nói về công việc hiện tại, Oanh cho biết, cô làm ở phòng truyền thông cho một công ty chuyên sản xuất về hàng tiêu dùng oganic (hữu cơ). Công ty khởi nghiệp này cũng toàn người trẻ từ các thành phồ lớn về quê lập nghiệp nên môi trường làm việc khánăng động. Thu nhập mà công việc mang lại không bằng các thành phố lớn nhưng xét về chất lượng cuộc sống thì Oanh thấy cao hơn. Đường xá rộng rãi, thực phẩm và các chi phí sinh hoạt rẻ hơn, thỉnh thoảng bố mẹ cũng dễ dàng "tiếp tế".

Tết năm nay, vui nhất là Oanhđược dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, cảm nhận không khí tết ở quê và đặc biệt là được sống lại những cảm giác chuẩn bị đón tết như hồi nhỏ.

"Trở về, để thấy gia đình vẫn luôn bên ta, để nhắc nhở ta về những dự định, lời hứa còn dang dở cần thực hiện. Và trở về là lúc ta nhận ra, hành trình trở về không phải lúc nào cũng dễ dàng và thực sự quý giá, đáng để muôn phần trân trọng. Dẫu có đi muôn phương, nơi bình yên nhất vẫn là nhà" - Oanh nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem