Về với làng “một đêm”

Phan Phương Chủ nhật, ngày 30/01/2022 13:00 PM (GMT+7)
“Có ai về Rào Nan, xin vô ghé thăm vùng Cự Nẫm/Làng chiến đấu xưa nay đã đổi mới muôn màu”. Lần theo câu hát trong bài “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân, chúng tôi tìm về làng Cự Nẫm (xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch, Quảng Bình)...
Bình luận 0

Hai lần anh hùng

Đích thân dẫn chúng tôi đi thăm thú một vòng xung quanh làng, Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm- Nguyễn Văn Lương không giấu được niềm tự hào khi giới thiệu về quê hương mình: "Nếu không có dịch Covid-19, thời điểm này, khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài đã đạp xe và cùng tham gia làm nông nghiệp khắp làng rồi. Khách du lịch đến với Cự Nẫm không chỉ vì nó là một làng quê có cảnh sắc thiên nhiên đẹp như tranh vẽ, mà nơi đây còn là một điểm đến huyền thoại của lòng yêu nước…".

Nhắc đến một thời kỳ lịch sử hào hùng của làng, ông Lương cho biết, đến nay làng Cự Nẫm đã hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong kháng chiến chống Pháp, Cự Nẫm là làng chiến đấu kiểu mẫu. Trong vòng chưa đầy 1 năm, từ tháng 4/1947 đến tháng 3/1948, giặc Pháp đã tiến hành 26 cuộc tấn công vào làng nhưng đều bị quân và dân Cự Nẫm đánh bật.

tat/ Du lịch ở làng “một đêm” - Ảnh 1.

Nét xưa ở làng Cự Nẫm. Ảnh: P.P

Trong chiến tranh chống Mỹ, làng Cự Nẫm trở thành cửa ngõ vào Nam, ra Bắc, là trạm giao liên - điểm dừng chân cuối cùng của bộ đội trước khi vào chiến trường. Lúc đó, Cử Nẫm được gọi là làng này được gọi là "làng một đêm", bởi từ năm 1969 đến năm 1973, các sư đoàn bộ đội trên đường hành quân đều dừng lại đây một đêm trước khi vào trận, và các thương bệnh binh trên đường ra Bắc cũng dừng lại đây một đêm để nghỉ ngơi, lấy nhu yếu phẩm…

Ông Đặng Đông Hà - Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho hay, làng văn hóa du lịch Cự Nẫm được thiết kế với hệ thống sản phẩm du lịch, dịch vụ đặc trưng, hướng tới lợi ích cộng đồng và hợp tác cùng phát triển. Trong đó, đề án chú trọng khôi phục hoạt động ở các làng nghề truyền thống (làng dệt lụa), tạo dựng các khu canh tác nông nghiệp hữu cơ (Organic Farm) để thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài cùng tham gia với người dân địa phương…

Thầy giáo Nguyên Nguyễn Hữu Phi - nguyên Hiệu trưởng một trường cấp 3 trên địa bàn, người chấp bút cuốn "Lịch sử Đảng bộ xã Cự Nẫm" giai đoạn 1945 - 2005,kể: "Suốt cả cuộc chiến tranh chống Mỹ, hết đợt này, đến đợt khác, bộ đội nườm nượp vào làng, rồi lại đi, lại vào liên tục. Người dân Cự Nẫm ngày lao động, đêm lại bốc vác, vận chuyển lương thực, quân trang, vũ khí phục vụ bộ đội. Cả làng đều nhường nhà cho bộ đội ở. Tổng cộng, có 6 sư đoàn đã qua đây, đã ngủ lại đây trong sự đùm bọc của người dân Cự Nẫm".

Làng văn hóa, du lịch

Tháng 11/2021, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án "Làng văn hóa du lịch Cự Nẫm" với mục tiêu đến 2025 đủ điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh, trở thành điểm đến tham quan, vui chơi giải trí hấp dẫn tại khu vực Bắc Trung Bộ. Theo đó, làng văn hóa du lịch Cự Nẫm sẽ được xây dựng có tổng diện tích 3.279ha, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm… Ông Nguyễn Hữu Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch cho biết, đề án trên được phê duyệt là cơ hội để làng Cự Nẫm hoàn thiện hơn về cơ sở hạ tầng và khôi phục những giá trị văn hóa đặc trưng để đón khách du lịch.

tat/ Du lịch ở làng “một đêm” - Ảnh 4.

Khách du lịch nước ngoài tại làng Cự Nẫm. Ảnh: P.P

tat/ Du lịch ở làng “một đêm” - Ảnh 5.

Một cơ sở lưu trú du lịch ở làng Cự Nẫm. Ảnh: P.P

Theo ông Hồng, khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài đã biết và tìm về Cự Nẫm ngày một đông. Cự Nẫm hôm không chỉ là làng "một đêm" mà nhiều đoàn khách du lịch đến đây đã ở lại đây "nhiều đêm". Không chỉ khám phá làng thuần nông với bầu không khí trong lành và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, du khách - đặc biệt là khách nước ngoài còn háo hức ra đồng làm đất, cày ruộng cùng nông dân.

Cũng theo ông Hồng, người đặt nền móng đầu tiên để Cự Nẫm từ làng thuần nông thành làng du lịch là một chàng rể Tây - anh Benjamin Joseph Mitchell (tên thân mật là Ben), người Australia. Benjamin vốn là một kỹ sư xây dựng, sang làm việc ở cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) cho một công ty của Canada. Còn chị Lê Thị Bích là người Cự Nẫm, làm hướng dẫn viên du lịch ở TP.Đà Nẵng. Hai người tình cờ gặp nhau rồi nên duyên vợ chồng.

tat/ Du lịch ở làng “một đêm” - Ảnh 6.

Một góc làng Cự Nẫm. Ảnh: P.P

Sau vài lần về thăm quê vợ, mê cảnh sắc nơi đây, năm 2008, Benjamin quyết định nghỉ việc ở cảng Chân Mây với mức lương mấy trăm triệu đồng/tháng, để về Cự Nẫm làm du lịch. Anh mua đất, xây dựng một cơ sở lưu trú mang tên Phong Nha Farmstay, và nhiều năm qua nó đã trở thành điểm lưu trú đầy ấn tượng của khách du lịch mỗi khi đến Cự Nẫm và Phong Nha - Kẻ Bàng.

Ông Nguyễn Văn Lương - Chủ tịch UBND xã Cự Nẫm cho biết, từ mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên của vợ chồng anh Ben-chị Bích, đến nay, Cự Nẫm đã có trên 20 cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn phục vụ khách du lịch. Nhiều mô hình du lịch "đậm chất nông dân", do nông dân làm chủ nhưng đã trở thành những địa điểm lưu trú, ẩm thực được khách du lịch đánh giá rất cao, đặc biệt là cơ sở Pub with Cold Beer, anh Trần Văn Quý và Nguyễn Thị Nhất đã được nhật báo danh tiếng của Anh The Guardian (Người bảo vệ) giới thiệu…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem