Thanh Hóa: Nuôi con đặc sản cưa sừng non làm thuốc bổ, một nông dân "hái lộc" cả trăm triệu đồng mỗi năm

Hoài Thu Thứ bảy, ngày 17/07/2021 13:03 PM (GMT+7)
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao khi nuôi hươu sao ở khu vực miền núi, gia đình bà Hà Thị Dựa đã mạnh dạn đầu tư nuôi loài thú này. Mô hình nuôi hươu sao sinh sản bán giống và lấy nhung, cho gia đình bà thu nhập ổn định hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Bình luận 0

CliP: Mô hình nuôi hươu của gia đình bà Hà Thị Dựa ở thôn Ba Bái, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.

Dẫn chúng tôi đi thăm đàn hươu sao của gia đình, bà Hà Thị Dựa (SN 1976) ở thôn Ba Bái, xã Xuân Thái, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa cho biết, trước đây bố chồng bà cũng đã từng nuôi hươu lấy nhung, cho hiệu quả kinh tế cao. 

Nhưng năm 2000 khi ông cụ mất, vì một số lý do không thể kế nghiệp, gia đình bà đành bán đàn hươu đi.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm nuôi hươu tích lũy được và trên cơ sở tính toán lợi ích kinh tế, năm 2014, vợ chồng bà Hà Thị Dựa lại quyết tâm bán đi 2 con trâu đực trưởng thành, 1 lốt nhà sàn và 4 chỉ vàng để xây dựng khu chuồng trại và xây bao quanh 1.000 m2 đất vườn nhà để quay lại nghề nuôi hươu sao.

Nuôi con đặc sản cưa sừng làm thuốc bổ, một nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 2.

Gia đình bà Hà Thị Dựa đã có kinh nghiệm nuôi hươu thì những năm trước. Ảnh Hoài Thu

Ngoài ra, gia đình bà cũng được Ban Quản lý Vườn quốc gia Bến En hỗ trợ một khoản tiền mua giống để mua 4 con hươu gồm 2 đực, 2 cái với mục đích của dự án là sinh sản để phát triển đàn.

Từ 4 con hươu giống ban đầu, hiện đàn hươu của gia đình bà Hà Thị Dựa đã tăng lên 18 con. Trong đó, có 8 con hươu đực để lấy nhung, 7 con hươu cái sinh sản và 3 con hươu con.

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân Việt bà Hà Thị Dựa nói, hươu vốn là loài động vật quen sống trong môi trường hoang dã nên khi nuôi nhốt phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh nhằm đảm bảo ăn sạch, uống sạch, ở sạch. 

Với chuồng nhốt, phải xây dựng khoảng 3 m2/chuồng, nền láng xi măng, xung quanh rào lưới đủ cao để hươu không nhảy qua được, vừa đảm bảo sự thông thoáng vào mùa nóng, ấm áp vào mùa lạnh.

Nuôi con đặc sản cưa sừng làm thuốc bổ, một nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 3.

Hươu vốn là động vật quen sống trong môi trường hoang dã nên khi nuôi nhốt phải tuân thủ yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh nhằm đảm bảo ăn sạch, uống sạch, ở sạch. Ảnh Hoài Thu

Bên cạnh đó, phía ngoài chuồng bà Hà Thị Dựa trồng nhiều cây xanh đảm bảo không gian mát mẻ, tự nhiên. Chuồng trại được quét dọn thường xuyên giúp hươu phát triển khỏe mạnh và phòng bệnh.

Theo bà Hà Thị Dựa, thức ăn của hươu tương đối dễ kiếm. Chủ yếu là cỏ, lá cây, thân cây chuối, bắp, đậu phộng và các loại củ, quả như khoai, cà rốt, mít, ngô… thái nhỏ trộn với cám gạo cho chúng ăn.

"Mỗi con hươu chỉ ăn 3 - 4 kg thức ăn/ngày (chia làm 3 bữa sáng, trưa và tối), riêng buổi tối cần lượng thức ăn nhiều hơn. Với những con hươu đang trong thời kỳ sinh sản và cho nhung, thì cần bổ sung thêm thức ăn giàu tinh bột và củ quả tươi. 

"Đến khi hươu cho nhung và sinh sản thì phải nhốt riêng để thuận tiện chăm sóc, đồng thời tránh cho hươu đực húc nhau làm tổn hại nhung cũng như ảnh hưởng đến hươu cái mang thai" - bà Hà Thị Dựa chia sẻ thêm kinh nghiệm chăm sóc hươu.

Nuôi con đặc sản cưa sừng làm thuốc bổ, một nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 4.

Theo bà Hà Thị Dựa, hươu là động vật ăn tạp và ít mắc các loại bệnh. Ảnh Hoài Thu

Cũng theo bà Dựa, nuôi hươu tưởng khó nhưng lại rất nhàn, chăm 10 con hươu chỉ như nuôi 1 con bò bởi chúng ăn ít, thức ăn lại là các lá cây dại sẵn có trong vùng. 

Nếu trong chuồng có 18 con hươu thì mỗi ngày chỉ cần 2 giờ đồng hồ đi kiếm cỏ, lá về cho hươu ăn. Trừ những lúc hươu mọc nhung phải cho ăn thêm thức ăn bổ dưỡng hơn như quả chuối, ngô, cà rốt, sung, vả, quả mít…, thời gian còn lại chủ nuôi không phải mất chi phí thức ăn. 

Bên cạnh chế độ ăn uống cũng cần quan tâm tới chế độ nghỉ ngơi, chuồng trại luôn giữ sạch sẽ, khô ráo, ấm vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè để hươu phát triển tốt nhất.

So với các loại gia súc được nuôi phổ biến hiện nạy như trâu, bò thì hươu sao ít khi mắc bệnh hơn, lâu lâu chúng mới bị bệnh đường ruột nhẹ. Những lúc hươu bị bệnh, bà Dựa cho chúng ăn lá xoan là khỏi ngay mà không cần phải dùng tới thuốc.

Vào mùa sinh sản, hươu cái sẽ được phối giống vào khoảng tháng 7 - 10 dương lịch. Sau thời gian mang thai 7 tháng, mỗi hươu mẹ sẽ sinh một con non. Hươu con hơn 6 tháng tuổi là có thể xuất bán với giá trung bình khoảng 18 triệu đồng/ con cái và 20 triệu đồng/ con đực.

Nuôi con đặc sản cưa sừng làm thuốc bổ, một nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 5.

Hươu là động vật hoang dã nên sức đề kháng rất tốt nên hiệu quả kinh tế cao. Ảnh Hoài Thu

Đối với những con hươu đực con khỏe mạnh được giữ lại nuôi, sau khoảng 10 tháng, tại vị trí gốc song sẽ xuất hiện sừng non. Lúc này, gia đình bà Dựa tiến hành "cắt tróc" để cho hươu lên lộc, một năm sau có thể cắt nhung tiếp.

Nhung hươu có nhiều công dụng như giúp tăng sức mạnh cơ bắp, sảng khoái tinh thần, ăn ngủ tốt... Ngoài ra còn có nhiều tác dụng khác đặc biệt với nam giới như sinh tinh, bổ tủy, ích huyết, giúp khỏe gân xương, tăng tuổi thọ... Chính vì vậy, loại dược liệu này được rất nhiều người lựa chọn mua về sử dụng.

"Hiện khách hàng của gia đình chủ yếu là người trong huyện và trong tỉnh Thanh Hoá. Vì nhu cầu của khách hàng ngày càng cao nên nhung hươu cung cấp không đủ, luôn trong tình trạng cháy hàng, nhiều người phải đặt cọc tiền trước hàng tháng trời" - bà Dựa nói.

Nuôi con đặc sản cưa sừng làm thuốc bổ, một nông dân thu lãi cả trăm triệu đồng mỗi năm - Ảnh 6.

Nhung hươu được xem là vị thuốc bổ quý hiếm. Ảnh Hoài Thu

Trung bình mỗi con hươu cho khoảng 6 lạng nhung, mỗi lạng nhung hươu có giá 1,5 - 2 triệu đồng. Mỗi năm, gia đình bà thu được hơn 100 triệu đồng từ việc bán nhung hươu. Dự kiến trong thời gian tới gia đình bà Hà Thị Dựa sẽ tiếp tục phát triển nhân rộng mô hình nuôi hươu sao bán giống và bán nhung này.

Ông Quách Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thái, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa nhận định: Xã Xuân Thái có diện tích đất đồi rất lớn và con hươu rất thích hợp với nơi đây, vì vậy tìềm năng nuôi hươu rất triển vọng. Ngoài ra, có thể thấy tính hiệu quả và kinh tế nếu được hỗ trợ thành các mô hình, thì nghề nuôi hươu ở đây sẽ phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem