Thành Hoàng Đế ở Bình Định từ Vương quốc Champa đến Nhà Tây Sơn rồi Vương triều Nhà Nguyễn

Lê Chi (Cổng TTĐ TTTT XTDL Bình Định) Thứ sáu, ngày 07/04/2023 05:01 AM (GMT+7)
Thành Hoàng Đế là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Bình Định gắn với ba thời kỳ lịch sử: Vương quốc Champa, Nhà Tây Sơn và Vương triều Nhà Nguyễn. Thành tọa lạc trên địa phận xã Nhơn Hậu và thị trấn Đập Đá, Thị xã An Nhơn cách Tp. Quy Nhơn khoảng 20km về hướng Tây Bắc.
Bình luận 0

Thành Hoàng Đế ở tỉnh Bình Định sớm đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích Lịch sử cấp quốc gia năm 1982.

Trong lịch sử tòa thành này từng là kinh đô của vương quốc Champa với tên gọi là thành Đồ Bàn. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV, kinh đô Champa đóng ở thành Đồ Bàn.

Đến năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông đem quân chinh phục Chămpa, sát nhập vùng đất Bình Định vào lãnh thổ của Đại Việt thì thành Đồ Bàn không còn giữ được vai trò là kinh đô của vưong quốc Chămpa. 

Cho đến khi cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn nổ ra vào thế kỷ XVIII thì tòa thành này một lần nữa phát huy vai trò lịch sử của mình. Sau khi chiếm được thành Qui Nhơn (nay là phường Nhơn Thành, Thị xã An Nhơn) Nguyễn Nhạc quyết định chọn thành Đồ Bàn làm đại bản doanh cho phong trào Tây Sơn. 

Ông xây dựng vào năm 1775 trên cơ sở thành Đồ Bàn của Vương quốc Chămpa để lại. Năm 1778, cũng tại tòa thành này, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng Đế, lấy niên hiệu là Thái Đức. Từ đây, thành Đồ Bàn chính thức mang tên Thành Hoàng Đế và trở thành kinh đô của chính quyền Trung ương Hoàng Đế Thái Đức – Nguyễn Nhạc..

Bãi đá cổ triệu năm tuổi ở một làng của Gia Lai có hình thù kỳ dị như thế nào mà nhiều người đến xem?

img

Lăng mộ Võ Tánh trong Thành Hoàng Đế ở tỉnh Bình Định. Ảnh: TTTTXTDL

Trong đó, trận chiến tiêu biểu nhất là năm 1799, quân Nguyễn do Chưởng hậu quân Võ Tánh đánh chiếm được thành Qui Nhơn. Năm 1802, triều đại Tây Sơn sụp đổ và sứ mệnh thành Qui Nhơn cũng kết thúc. Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu là Gia Long, đóng đô ở Phú Xuân. 

Từ đây, thành Qui Nhơn chính thức được gọi là thành Bình Định và là lị sở của trấn Bình Định. Sau khi lên ngôi, vào năm 1805 nhà Nguyễn cho lập lăng Võ Tánh ngay trên nền điện Bát Giác của thành Hoàng Đế và dùng lầu Bát Giác làm nơi hương khói gọi là Bát Giác lầu. 

Đến năm 1815, lị sở của trấn Bình Định được dời vào phía Nam (thôn Kim Châu, nay là khu vực Nguyễn Thị Minh Khai, thị trấn Bình Định). 

Nhà Nguyễn cho triệt hạ hết các cung điện cũ của thành Hoàng Đế, dỡ đá ong của thành cũ mang đi xây thành mới, trừ lầu Bát Giác được sửa sang lại làm Đền Song Trung thờ Võ Tánh và Ngô Tùng Châu (sau này còn có tên gọi là Đền Chiêu Trung).

Trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, hiện nay trong khuôn viên Tử Cấm Thành và thành Hoàng Đế vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích của vương quốc Chămpa, Nhà Tây Sơn và Nhà Nguyễn. Các kiến trúc của các thời kỳ nằm đan xen lẫn nhau, tạo nên sự phong phú và nét đặc trưng của di tích.Thành Hoàng Đế nguyên là một tổng thể kiến trúc hình chữ nhật, gồm ba vòng thành: Thành Ngoại, Thành Nội và Tử Cấm Thành. 

Thành ngoại có chu vi là 7400m, hiện nay phần còn lại của tường thành cao từ 3 – 6m, trên mặt bờ thành phía Nam còn lưu giữ hai thanh đá cắm thẳng đứng cao 3m, đó là dấu tích của thành Đồ Bàn của người Chăm, cho đến nay vẫn chưa xác định được ý nghĩa của hai thanh đá đó đối với kinh đô Đồ Bàn.

imgimg Tượng Voi cái - Tượng Voi đực trong Thành Hoàng Đế Ảnh: TTTTXTDL

Thành nội còn được gọi là Hoàng Thành có hình chữ nhật dài, với chu vi 1600m, dài 430m, rộng 370m. Thành Nội bị phá hủy hoàn toàn, hầu như không còn gì, những dấu vết còn lại cho thấy tường thành được xây bằng đá ong và đắp đất, có 3 cửa ở 3 mặt Nam, Đông, Tây, cửa chính hướng về phía Nam gọi là cửa Tiền. 

Trước cửa Tiền hiện còn hai tượng voi đá gồm một voi đực và một voi cái. Voi cái cao 1,7m, dài 2,2m, thân rộng 0,7m  tạc trong tư thế tĩnh, mang bành và đồ trang sức thể hiện những yếu tố của nghệ thuật Chăm. Voi đực cao 2m, dài 2,2m, thân rộng 1m, tạc trong tư thế động, vòi uốn cong như đang nhổ một vật gì đó. 

Đây được cho là hai tượng voi thể hiện dạng tượng tròn có kích thước lớn nhất của người Chăm còn hiện còn.Bên trong Thành Nội là Tử Cấm Thành cũng có hình chữ nhật với chu vi 600m, dài 174m, rộng 126m, cửa chính quay về hướng Nam, gọi là Nam Lâu. Tường thành đắp đất và đá ong hai mặt dày 1,5m, bờ tường cao nhất hiện còn khoảng 3m. Nơi đây hiện còn lưu giữ 3 tượng sư tử đá có niên đại từ thế kỷ XII; hai hồ bán nguyệt (thủy hồ) dài 17m, rộng 10m và sâu 1,6m; lầu Bát Giác và khu lăng thờ hai viên quan nhà Nguyễn chết ở đây là Võ Tánh và Ngô Tùng Châu. Đây là một khu lăng mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn nằm trong quần thể của di tích. Đứng từ đây có thể chiêm ngưỡng Tháp Cánh Tiên từ xa xa.img
Tượng Sư Tử trong Thành Hoàng Đế; Ảnh: TTTTXTDL
img
Hồ Bán Nguyệt trong di tích Thành Hoàng Đế ở Bình Định. Ảnh: TTTTXTDL 

Với những dấu tích, hiện vật và kiến trúc còn sót lại cũng như giá trị về một tòa thành đã hai lần giữ vai trò là kinh đô trong lịch sử, thành Hoàng Đế xứng đáng là một điểm đến kỳ thú trong hành trình đi qua những vùng kinh đô việt cổ của đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem