Thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển sản phẩm OCOP cả chiều rộng lẫn chiều sâu

Trương Hồng
22/07/2025 08:16 GMT +7
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030 mà thành phố Đà Nẵng đang chú trọng đầu tư để phát triển.


Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, khẳng định chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026 - 2030.

Thành phố Đà Nẵng tập trung phát triển sản phẩm OCOP cả chiều rộng lẫn chiều sâu, hỗ trợ, duy trì chất lượng, nâng cấp các sản phẩm hiện có, phát triển các sản phẩm mới

“Thành phố Đà Nẵng sẽ tập trung phát triển sản phẩm OCOP cả chiều rộng lẫn chiều sâu; chú ý hỗ trợ, duy trì chất lượng, nâng cấp các sản phẩm hiện có, phát triển các sản phẩm mới; quan tâm khai thác các sản phẩm có lợi thế, mang bản sắc văn hóa địa phương, chú trọng nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và không chạy theo số lượng.

Ngoài ra, sẽ xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ chương trình OCOP trong giai đoạn 2026 - 2030 để làm cơ sở huy động, bố trí nguồn lực thực hiện. Các cơ chế, chính sách cần quan tâm hỗ trợ cho các đối tượng doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ sản xuất ở nông thôn; hỗ trợ đủ mạnh cho chủ thể tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Rà soát, quy hoạch, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu; ưu tiên phát triển vùng nguyên liệu có chứng nhận hữu cơ, VietGAP, GlobalGAP,; đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị; phát huy vai trò của các hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ; xây dựng các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả và bền vững.

Tăng cường đầu tư hơn nữa kết cấu hạ tầng, logistic phục vụ sản xuất nông nghiệp và chế biến sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử trong quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển thương hiệu; nâng cấp hệ thống giới thiệu, phân phối sản phẩm OCOP”, ông Trần Nam Hưng cho biết.

Tính đến tháng 6 năm 2025, TP Đà Nẵng có có 552 sản phẩm OCOP còn hạn, trong đó có 2 phẩm 5 sao, 95 sản phẩm 4 sao, 453 sản phẩm 3 sao, 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao

Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Nam Hưng chia sẻ thêm, thành phố sẽ kiện toàn, phân công, phân nhiệm cho cơ quan tham mưu thực hiện chương trình OCOP; nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương; phát huy nội lực của chủ thể; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chủ thể, cán bộ quản lý chương trình; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình.

Tăng cường các hoạt động phát triển hệ thống đối tác của chương trình; mời gọi chuyên gia, nhà phân phối lớn tham gia hỗ trợ phát triển sản phẩm và thị trường tiêu thụ.

Đối với việc đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP sau khi tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng nhập lại thành một, ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, việc đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP thực hiện theo Bộ tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Trước đây, trung ương đánh giá công nhận sản phẩm 5 sao, tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm 4 sao, huyện đánh giá công nhận sản phẩm 3 sao. Hiện nay thành phố đang chờ hướng dẫn từ trung ương sau khi thực hiện chính quyền 2 cấp.

Thành phố Đà Nẵng tăng cường các hoạt động phát triển hệ thống đối tác của chương trình OCOP; mời gọi chuyên gia, nhà phân phối lớn tham gia hỗ trợ phát triển sản phẩm và thị trường tiêu thụ

“Đánh giá và công nhận nhận sản phẩm OCOP phải theo quy định, dù cấp nào làm đi nữa cũng phải tuân thủ bộ tiêu chí do Thủ tướng quyết định ban hành. Hàng năm phải có kế hoạch của UBND đánh giá, phân hạng cụ thể, trong kế hoạch đều quy định nhóm sản phẩm ưu tiên và không ưu tiên. Danh sách sản phẩm đăng ký lên thành phố sẽ rà soát cho ý kiến trước khi triển khai xây dựng hồ sơ, sản phẩm và tham gia đánh giá phân hạng.

Việc đánh giá, phân hạng do hội đồng thực hiện, mà hội đồng gồm nhiều sở ngành, nhiều lĩnh vực liên quan như, An toàn thực phẩm, văn hóa, y tế, nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ… Cho nên việc công nhận là theo quy định và ý kiến chung chứ không phải của cá nhân nào.

Giai đoạn đến, cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm các sản phẩm OCOP đã được công nhận, xử lý nghiêm và thu hồi các sản phẩm khi tham dự đánh giá phân hạng có chất kém hơn…”, ông Trần Nam Hưng nhấn mạnh.

Tính đến tháng 6 năm 2025, TP Đà Nẵng có có 552 sản phẩm OCOP còn hạn (171 sản phẩm Đà Nẵng cũ + 381 sản phẩm Quảng Nam cũ); trong đó có 2 phẩm 5 sao, 95 sản phẩm 4 sao, 453 sản phẩm 3 sao, 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao.