Thanh tra cấp huyện được đại biểu Quốc hội đề nghị giữ lại và phân cấp nhiều hơn

Thành An Thứ tư, ngày 07/09/2022 12:26 PM (GMT+7)
"Đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành", Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay.
Bình luận 0

Sáng 7/9, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã thảo luận về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi). Trong đó, các ý kiến đề nghị, quan tâm bố trí đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra huyện.

img

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo giải trình, chỉnh lý Dự Luật. Ảnh: Quochoi.vn.


Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với Dự Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Dự Luật trình xin ý kiến tại hội nghị này đã được chỉnh lý 87/117 điều (80 điều được chỉnh lý về nội dung, 07 điều chỉnh lý về kỹ thuật văn bản); về bố cục, tăng thêm 01 điều và sắp xếp, bố cục lại các điều.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, một số vấn đề lớn của dự thảo Luật cần tiếp tục xin ý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đó là: Quy định về thanh tra huyện; việc thành lập Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ; Thanh tra sở; về xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra và giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Về thanh tra huyện, trước những quan điểm khác nhau ở các lần thảo luận trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội lý giải, Thanh tra huyện không chỉ thực hiện nhiệm vụ về thanh tra mà còn là đầu mối tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng khác được giao trong các luật. 

Thanh tra cấp huyện được đại biểu Quốc hội đề nghị giữ lại và phân cấp nhiều hơn - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Hưng Yên) phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn


Những bất cập trong tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện thời gian qua không phải do thiết chế này không còn phù hợp mà là do chưa được bố trí đủ nguồn lực để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. 

Việc không duy trì Thanh tra huyện tuy giảm được số lượng lớn cơ quan, nhưng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trên các địa bàn cấp huyện, nhất là đối với các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển. 

"Do đó, đề nghị tiếp thu ý kiến của đa số các vị đại biểu Quốc hội giữ Thanh tra huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính như hiện hành", Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng nói.

Bố trí đủ nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra huyện

Trong thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự đồng tình về việc duy trì thanh tra huyện. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn tỉnh Hưng Yên) cho rằng, thanh tra huyện có quá trình hình thành và phát triển lâu dài, đồng thời bảo đảm đúng nguyên tắc ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra. 

Trong thực tiễn việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp ngay từ cơ sở là cần thiết, thanh tra huyện đảm bảo việc giải quyết đơn thư kịp thời, tránh gây áp lực cho thanh tra tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh tra huyện, đại biểu Thắng đề nghị Chính phủ sớm có giải pháp căn cơ, đồng bộ, cần quan tâm bố trí đủ nguồn lực về con người, sớm kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm các điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra huyện, để thanh tra huyện đủ năng lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình mới.

Thanh tra cấp huyện được đại biểu Quốc hội đề nghị giữ lại và phân cấp nhiều hơn - Ảnh 3.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Quochoi.vn


Đại biểu Nguyễn Văn Huy (đoàn tỉnh Thái Bình) cũng cho rằng, việc giữ mô hình thanh tra cấp huyện trong hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra hành chính như hiện hành là cần thiết; tuy nhiên đề nghị Chính phủ sớm có những giải pháp đồng bộ để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong hoạt động của thanh tra cấp huyện; kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm điều kiện để nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp huyện góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đề nghị phân cấp nhiều hơn cho cơ quan thanh tra cấp huyện, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn tỉnh Hà Tĩnh) cho rằng, sau khi luật có hiệu lực cần sớm hướng dẫn để tổ chức bộ máy và điều kiện đảm bảo để thanh tra cấp huyện thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Chỉ sở đặc biệt mới nên thành lập cơ quan thanh tra

Các đại biểu cũng góp ý, nên chuyển thanh tra một số sở hiện tại về thanh tra tỉnh để thành lập phòng thanh tra chuyên ngành, quy định thành lập thanh tra sở tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp.

Riêng đối với thanh tra sở, theo đại biểu Trần Đình Gia cho rằng, chỉ những sở đặc biệt mới thành lập cơ quan thanh tra. Hiện nay tất cả những vướng mắc, chồng chéo và gây phiền hà ở cơ sở chủ yếu là nội dung này, bởi tất cả các sở đều có cơ quan thanh tra, nên thực tế có những cơ quan phải tiếp thanh tra chuyên ngành của Sở GDĐT, thanh tra Sở Tài chính, thanh tra của Sở Nội vụ. Như vậy, có những năm các đơn vị liên tục đón các đoàn thanh tra và trong hình ảnh của đối với giáo viên, đối với học sinh, đối với phụ huynh nhà trường không còn thân thiện nữa.

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn tỉnh Nghệ An) thì cho rằng, thẩm quyền thành lập Thanh tra Sở theo quy định trong Dự Luật là chưa rõ ràng. Khoản 2 Điều 27 Dự Luật quy định: Thanh tra sở được thành lập tại một số sở có phạm vi quản lý rộng và yêu cầu quản lý chuyên ngành phức tạp theo quy định của Chính phủ. Việc thành lập thanh tra tại các sở khác do UBND cấp tỉnh quyết định căn cứ vào yêu cầu quản lý và biên chế được giao.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem