Tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân gói "kích cầu" phát triển kinh tế

Việt Đức/TTXVN Thứ bảy, ngày 22/10/2022 21:14 PM (GMT+7)
Bên cạnh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 43, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự băn khoăn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Bình luận 0
Tháo gỡ điểm nghẽn giải ngân gói "kích cầu" phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Sáng 22/10, trao đổi bên lề Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu Quốc hội nhấn mạnh bày tỏ sự phấn khởi khi nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, nhiều đại biểu băn khoăn về tiến độ giải ngân chậm vốn đầu tư công cũng như gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, trong bối cảnh Việt Nam vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua, đến nay, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% ở mức rất cao.

Như vậy, rõ ràng gói kích cầu theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã có tác dụng. Mục đích của gói kích cầu là để hỗ trợ cho nền kinh tế tăng thêm khoảng 1,5-2%. Đây là những tín hiệu khả quan bước đầu.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực trên, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, một số phần việc trong Nghị quyết số 43 vẫn chưa thực hiện thành công. Đặc biệt là phần gói hỗ trợ lãi suất 2%.

"Chúng ta chỉ giải ngân được 13,5 tỷ đồng trên tổng số 16.035 tỷ đồng (hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho doanh nghiệp, xây nhà ở xã hội, nhà cho công nhân trong năm 2022), tức là chưa được 1%, chỉ có được 0,08%. Điều mà các doanh nghiệp đang mong chờ, nếu giải ngân được thì chắc là nền kinh tế không phải chỉ phát triển hơn 8%, mà có thể phát triển cao hơn nữa", đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.

Đề cập tới mục tiêu tốc độ tăng trưởng đạt 6,5%, năm 2023, đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, nếu đặt trong bối cảnh chung với các nước trong khu vực và những tác động, ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, đây là tốc độ tăng trưởng khá cao. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2030 thu nhập bình quân đầu người là 7.000 USD/người/ năm, theo đại biểu cần đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng cao hơn.

"Nếu nghĩ tới gói kích cầu theo Nghị quyết số 43, hay chỉ tiêu phải đạt vào năm 2030 là 7.000 USD/người thì chỉ tiêu 6,5% là khá khiêm tốn. Để đạt mục tiêu 7.000 USD/người/năm vào 2030, cần duy trì liên tục tăng trưởng qua các năm từ nay đến 2030 là 8%/năm. Trong phần cơ cấu kinh tế, tôi đặc biệt đề nghị có chính sách để chúng ta tham gia vào các khâu sản xuất mà có giá trị gia tăng cao, để tránh việc chúng ta trở thành nơi công xưởng gia công của thế giới, là nhóm không có giá trị gia tăng cao", đại biểu Nguyễn Quang Huân nói.

Cùng quan điểm với đại biểu Nguyễn Quang Huân về tiến độ chậm giải ngân gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 43, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn An Giang), cho rằng điểm yếu này ở đây là khâu tổ chức thực hiện.

Theo đại biểu, cần có đánh giá tại sao người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, các hỗ trợ còn khó khăn.

"Nếu chúng ta giải quyết được điểm nghẽn này thì tôi nghĩ rằng sẽ tạo động lực rất lớn cho quý IV và trong năm 2023", đại biểu Nguyễn Hoàng Chiến nhấn mạnh.

Từ đây, đại biểu Nguyễn Quang Huân và đại biểu Nguyễn Hoàng Chiến đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan làm rõ lý do của việc chậm giải ngân, tìm cách tháo gỡ phần giải ngân gói hỗ trợ này trong 2023, để giữ được nhịp tăng trưởng cao trong những năm qua, tạo đà cho những năm tới đạt được chỉ tiêu như Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra.

Bên cạnh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết số 43, nhiều đại biểu Quốc hội cũng thể hiện sự băn khoăn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư cho ba chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Trần Đức Thuận (Đoàn Nghệ An) nhấn mạnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang rất chậm. Theo đại biểu, điều này có phần lý do do có một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm nên không dám triển khai. "Vai trò của đội ngũ cán bộ triển khai như thế nào. Trước đây nói là không có tiền nhưng bây giờ có tiền cũng không triển khai được", đại biểu đặt vấn đề.

Hiện nay 3 chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội, Chính phủ phân bổ ngân sách nhưng tiến độ giải ngân còn chậm. Đại biểu Trần Đức Thuận đặt vấn đề "chậm do đâu?" và đề nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Nếu phát hiện ra những trường hợp có tư lợi, cần phải xử lý nghiêm. Theo đại biểu, Quốc hội đã có giám sát phòng, chống lãng phí nhưng thực tế vẫn còn lãng phí rất nhiều.

Quan tâm đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Hà Đức Minh (Đoàn Lào Cai) cho rằng, tiến độ giải ngân còn chậm so với yêu cầu, còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ tại một số bộ, ngành, địa phương.

Đối với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, số lượng văn bản hướng dẫn có thể lên tới gần 200 văn bản trong thời gian tới, gây khó khăn cho cấp cơ sở trong việc nghiên cứu, thực thi, do vậy, cần có sự xâu chuỗi, tổng hợp để đảm bảo các Chương trình được thực thi hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem