Thập niên tăng trưởng, kiều hối về Việt Nam dự báo "đảo chiều"
Theo Báo cáo Di cư và Kiều hối được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, lượng kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 có thể giảm hơn 7% so với năm 2019 còn 15,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 5,8% GDP. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong top 10 quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất.
Kiều hối về Việt Nam dự báo giảm sau 1 thập niên
Đây là lần đầu tiên kiều hối về Việt Nam dự báo giảm lần đầu tiên trong vòng 10 năm qua. Trước đó, cũng theo dữ liệu công bố của WB, kiều hối về Việt Nam liên tục tăng cao qua các năm, đặc biệt từ năm 2016 vượt xa mốc trên 10 tỷ USD và đến 2019 đã đạt 17 tỷ USD, chiếm 6,5% GDP.
Năm nay, dù dự báo giảm nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có lượng kiều hối lớn nhất thế giới năm 2020 (đứng thứ 9). Tính riêng khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, Việt Nam xếp thứ 3 về giá trị kiều hối, sau Trung Quốc (59,5 tỷ USD) và Philippines (33,3 tỷ USD), và thứ 9 theo tỷ trọng GDP.
Cũng theo ước tính của tổ chức này, kiều hối chảy về các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình giảm 7% xuống còn 508 tỷ USD trong năm nay. Con số này sẽ tiếp tục giảm 7,5% vào năm 2021.
Các khu vực được dự đoán chứng kiến lượng kiều hối sụt giảm mạnh là châu Âu (16%), Trung Á (16%) và Đông Á (11%).
Trên toàn thế giới, số tiền mà các lao động di cư gửi về cho gia đình dự kiến giảm 14% vào năm 2021 so với mức trước dịch Covid-19.
Nguyên nhân là do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và tăng trưởng kinh tế giảm tốc khiến nguồn tiền mà lao động di cư gửi về cho gia đình sụt giảm. Cùng với đó, số lượng việc làm giảm, đồng tiền tại các quốc gia nhận kiều hối giảm giá trị so với đồng USD.
Tại Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng khẳng định, suy thoái kinh tế từ đại dịch Covid-19 sẽ đe dọa an ninh và phúc lợi nghề nghiệp của hơn 91 triệu người di cư quốc tế từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Do đó, dòng kiều hối chuyển vào châu Á trong năm 2020 có thể giảm 54,3 tỷ USD, tương đương khoảng 20% mức hiện nay. "Việt Nam, Indonesia và Philippines là 3 quốc gia Đông Nam Á có dòng kiều hối sụt giảm mạnh nhất trong năm 2020", báo cáo của ADB chỉ rõ.
Kiều hối sẽ chỉ phục hồi vào khoảng năm 2022?
Các chuyên gia trong nước cũng đưa ra dự báo nguồn kiều hối chảy về Việt Nam trong năm 2020 giảm. Theo đó, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, nguồn kiều hối giảm khoảng 10-15% so với năm 2019. Nếu tình hình dịch bệnh tiếp tục có những diễn biến xấu, kiều hối về Việt Nam có thể giảm mạnh hơn, khoảng 15-17%.
Thế nhưng, mới đây Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP. Hồ Chí Minh cho biết, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh thông qua các ngân hàng thương mại và các tổ chức kinh tế trong 9 tháng năm 2020 đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019. Dự báo lượng kiều hối của cả năm 2020 ước đạt 5,5 tỷ USD, tăng 0,82% so với năm trước.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng con số trên không phản ánh bức tranh chung tình hình kiều hối về Việt Nam năm nay, vì còn nhiều tỉnh, thành phố khác có số lượng lớn người lao động đang làm việc tại các nước như Pháp, Mỹ, Canada... bị ảnh hưởng thu nhập do đại dịch Covid-19. Vì vậy, dù chưa có số lượng thống kê chính thức, nhưng lượng kiều hối chuyển về trong nước đang sụt giảm.
"Số liệu kiều hối về TP. Hồ Chí Minh nêu trên chỉ mang tính tương đối, bởi kiều hối về Việt Nam đến từ kênh chính thức và kênh phi chính thức. Trong đó kênh phi chính thức chiếm tỷ trọng cũng tương đối nên khó có thể lượng đoán được", TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Chuyên gia này đưa ra dự báo từ nay đến hết năm 2021, dịch bệnh vẫn tác động mạnh tới lượng kiều hối, vì vậy sẽ không đạt được mức của năm 2019; lượng kiều hối sẽ chỉ phục hồi vào khoảng năm 2022.