VCBS kỳ vọng tỷ giá giảm áp lực sau khi bật tăng nhanh và mạnh trong quý I

Linh Anh
06/05/2025 17:14 GMT +7
Nhóm phân tích Vietcombank Securities kỳ vọng, thị trường ngoại hối và tỷ giá có thể diễn biến tích cực hơn trong thời gian tới, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như trong thời gian gần đây.

Tỷ giá chịu áp lực bật tăng

Tại báo cáo vĩ mô mới công bố, Vietcombank Securities cho biết, trong quý I/2025, thị trường ngoại hối chứng kiến những biến động mạnh khi tỷ giá USD/VND bật tăng đáng kể.

Tính đến hết ngày 31/3/2025, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 24.837 VND/USD, tăng 495 đồng so với đầu năm. Tại thị trường tự do, USD được bán ra ở ngưỡng 25.900, tương ứng với mức tăng khoảng 200 điểm.

Các chuyên gia đánh giá, diễn biến tỷ giá biến động trong ngắn hạn trước bối cảnh chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất định. Đặc biệt là lo ngại về khả năng Việt Nam có thể phải đối mặt với các mức thuế đối ứng cao trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu gia tăng.

Theo VCBS, các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại và thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế.

Nguồn: Vietcombank Securities.

Tuy nhiên, nhóm phân tích lưu ý nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Mỹ vẫn đang được quan sát, do đó, xu hướng chuyển dịch chuyển cung ứng sang các quốc gia ổn định về chính trị vẫn là xu hướng chính.

Sau một loạt động thái trả đũa căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, các chuyên gia VCBS cho rằng hai bên có thể đàm phán và thương thảo nhằm đạt được các thỏa thuận trong thời gian tới. Tuy nhiên, các yếu tố bất định vẫn đang tồn tại và chiến tranh thương mại chưa đi đến hồi kết thúc.

Nguồn: Vietcombank Securities.

Với bối cảnh như vậy, trong điều kiện Việt Nam chứng minh được nền tảng ổn định vững chắc, VCBS đánh giá Việt Nam sẽ là điểm đến lý tưởng của dòng vốn đầu tư và các hoạt động sản xuất- kinh doanh. Đây cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường ngoại hối trong thời gian tới.

Nhóm phân tích kỳ vọng, thị trường ngoại hối và tỷ giá có thể diễn biến tích cực hơn, thay vì chịu áp lực bật tăng nhanh và mạnh như trong thời gian gần đây.

Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Tại báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn lĩnh vực Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu áp lực lớn, đa chiều và thay đổi nhanh chóng do diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường, đặc biệt là chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ, đồng USD quốc tế biến động nhanh, gây áp lực lên các đồng tiền.

Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ CSTT (điều tiết thanh khoản, lãi suất) và can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Nhờ đó, thị trường ngoại tệ duy trì ổn định, thanh khoản ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá VND diễn biến tăng/giảm theo cả hai chiều, phù hợp với xu hướng chung của các đồng tiền quốc tế so với USD (Ngày 31/3/2025, biến động các đồng tiền so với cuối năm 2024: TWD -1,42%; THB +0,90%; IDR -2,89%; JPY +4,60%; KRW +0,32%; CNY +0,58%; CHF +2,61%).

Đến ngày 22/4/2025, tỷ giá giao dịch quanh mức 25.896 VND/USD, tăng 1,64% so với cuối năm 2024.

Theo nhà điều hành đánh giá, thời gian tới, tỷ giá và thị trường ngoại tệ khả năng tiếp tục chịu áp lực lớn từ các yếu tố phức tạp trên thị trường quốc tế (các chính sách thuế quan của Chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình CSTT khó lường của Fed; diễn biến địa chính trị, các cú sốc giá cả hàng hóa,…) và khó khăn ở trong nước (chênh lệch lãi suất VND và USD, nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế duy trì cao…).

Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.