“Thế giới nhìn Việt Nam như một ốc đảo hấp dẫn luồng vốn FDI”

02/10/2020 06:38 GMT+7
Trong bối cảnh kinh tế toàn thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh hoành hành từ đầu năm đến nay, kinh tế Việt Nam đã cho thấy nhiều tín hiệu rất lạc quan.

Kinh tế đã thoát đáy

Ngay quý đầu tiên của năm, Việt Nam đã bị ảnh hưởng của dịch bệnh khi tăng trưởng chỉ còn 3,68%. Nhưng quý II mới là thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi GDP thấp kỷ lục với mức tăng chỉ là 0,39%. Đây cũng là thời điểm cả nước tập trung mọi nguồn lực cho việc kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội.

Sang quý III, dù có đợt dịch mới bùng phát trở lại nhưng GDP vẫn tăng 2,62% cao hơn nhiều so với quý trước. Điều này cho thấy, cả người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế không chỉ chống chọi tốt, mà đã thích nghi với phát triển trong dịch bệnh.

“Thế giới nhìn Việt Nam như một ốc đảo hấp dẫn luồng vốn FDI” - Ảnh 1.

Hoạt động của một công xưởng tại Việt Nam. (Ảnh: Bloomberg)

Dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng theo hình chữ V thay vì chữ U hay L, W đã ngày càng rõ nét, bất chấp diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều phức tạp. Điều này thể hiện rõ trong quý III khi các lĩnh vực đều có mức tăng trưởng khá từ nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp và xây dựng đến dịch vụ đều đạt mức tăng trưởng.

9 tháng qua, cả nước có gần 99.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tuy giảm 3,2% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 10,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.

Những tín hiệu lạc quan về kinh tế

17 tỷ USD, 100 tỷ USD và 21 tỷ USD - những con số thể hiện lần lượt về xuất siêu, dự trữ ngoại hối và thu hút trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng qua đã cho thấy chỉ dấu rất rõ ràng về những hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Con số xuất siêu đạt gần 17 tỷ USD sau 9 tháng là một kỉ lục mới của thương mại Việt Nam. Hàng hóa, nhất là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như nông sản đang được các nước mua nhiều hơn trước. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế kỉ lục này vẫn có thể tốt hơn nữa.

Dù dịch bệnh, nhưng chưa bao giờ, dự trữ ngoại hối quốc gia lại tăng cao như bây giờ. Khả năng cả năm cán đích 100 tỷ USD được dự báo trong tầm tay.

“Thế giới nhìn Việt Nam như một ốc đảo hấp dẫn luồng vốn FDI” - Ảnh 2.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn thế giới hầu hết là các gam trầm, nỗ lực tăng trưởng của kinh tế Việt Nam rất đáng ghi nhận. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)

Một điểm sáng nữa đó là thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hơn 21 tỷ USD đã đăng ký vào Việt Nam từ đầu năm cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến được ưu tiên lựa chọn của các nhà đầu tư quốc tế.

"Về khách quan, thế giới nhìn nhận Việt Nam như là một ốc đảo có thể hấp dẫn luồng vốn FDI", TS Trần Đình Thiên - chuyên gia Kinh tế nói.

Đánh giá cao phương châm vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, nhưng điều nhiều chuyên gia nước ngoài ấn tượng với Việt Nam đó là sức chống chịu của nền kinh tế, khi hầu hết các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì hoạt động, tạo thu nhập cho người lao động.

Đến nay, Việt Nam đã qua 3 tuần không xuất hiện ca nhiễm COVID-19 mới và đang mở lại các đường bay quốc tế, trong nước theo phương án an toàn. Điều này đang mở ra cơ hội cho các ngành vận tải, du lịch, khách sạn nhà hàng, nghệ thuật vui chơi giải trí vào dịp cuối năm, qua đó giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.

Vượt qua thách thức để tăng tốc phát triển

Dù đã có những khởi sắc, nhưng quãng đường của năm nay cũng chỉ còn một quý nữa là kết thúc.

Quỹ thời gian không còn nhiều, trong khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường. Ngoài ra, những biến động của kinh tế thế giới cũng rất khó đoán định và còn nhiều tồn tại cố hữu của nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết triệt để... đó là những thách thức đối với kinh tế Việt Nam.

Vậy làm gì để vượt qua các thách thức này? Dưới đây là ý kiến từ các chuyên gia trong nước và quốc tế.

Rất nhiều các quốc gia trên thế giới hiện đang loay hoay với phỏng đoán, nền kinh tế của họ sẽ đi theo kịch bản nào trong bổi cảnh dịch bệnh hiện nay. Mô hình chữ L, tức là kinh tế xuống đáy và đi ngang chưa biết khi nào phục hồi; chữ U là xuống đáy rồi đi ngang một thời gian dài mới phục hồi. Hay chữ W là xuống đáy, phục hồi nhẹ rồi lại đi xuống.

Riêng với Việt Nam, các chuyên gia kinh tế cả trong và ngoài nước sau khi nhìn vào bức tranh tăng trưởng GDP 3 quý đã có chung dự báo, kịch bản tăng trưởng có chiều hướng đi theo hình chữ V và đáy của chữ V đó là quý 2. Hay nói một cách khác, kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi đáy suy giảm, phục hồi trong quý III và sẽ tăng trưởng nhanh kể từ quý IV.

Theo VTV
Cùng chuyên mục