Thế kẹt và cơ hội cho kinh tế Việt Nam khi được mời thảo luận với "Bộ tứ kim cương"
Truyền thông quốc tế loan tin “Bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ) đã bắt đầu thảo luận và mời thêm 3 quốc gia khác tham gia là Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand.
Phiên họp của “bộ tứ mở rộng” sẽ xoay quanh những vấn đề nóng nhất hiện nay là Covid-19 và phương thức chống lại sự lây lan của đại dịch này.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters cho rằng vấn đề mấu chốt của cuộc đối thoại là nhằm giảm thiểu tác động lên kinh tế toàn cầu thông qua sáng kiến “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng”.
Reuters nhận định dù chưa rõ những quốc gia nào sẽ nằm trong “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” song với việc chính quyền Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản thì đây sẽ là những quốc gia được Mỹ hướng đến nhằm tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu.
Để góp thêm một góc nhìn về sự kiện đáng chú ý này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam):
- Covid-19 đã làm thay đổi thế giới một cách sâu sắc, nhất là khiến các quốc gia nhận ra sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Việc “Bộ tứ kim cương” thảo luận và mời thêm một số quốc gia tham dự diễn ra trong bối cảnh này hẳn là một động thái củng cố cho hành động “thoát Trung” hay xa hơn là đối trọng với Trung Quốc?
TS Bùi Ngọc Sơn: Thật ra cũng không phải đến khi có đại dịch Covid-19 mà trước đó rất lâu, Mỹ đã nhận thấy Trung Quốc là đối thủ của họ rồi. Tuy nhiên, trước đây, việc Mỹ đối trọng với Trung Quốc tương đối khó, bởi chỉ có mình Mỹ thôi. Châu Âu, Úc và nhiều nước khác không mấy nhiệt tình vì Trung Quốc vẫn đem lại lợi ích kinh tế cho họ.
Nhưng Covid-19 xảy ra, tất cả nhận thấy về kinh tế, bỏ tất cả trứng vào một giỏ là nguy hiểm và đặt vào tay Trung Quốc lại càng nguy hiểm hơn, vì khi đó Trung Quốc có thể “vũ khí hóa” các vấn đề kinh tế để đe dọa ngược trở lại. Tâm lý này bùng phát và khiến châu Âu, Úc thay đổi quan điểm. Bây giờ, không chỉ Mỹ mà nhiều nước nghĩ rằng phải rời khỏi Trung Quốc, phải phân tán ra các nước khác, không thể phụ thuộc vào Trung Quốc được.
- Việt Nam được mời thảo luân với nhóm Bộ tứ, đây có thể nói là một cơ hội lớn về kinh tế và hơn thế nữa. Nhưng ông cho rằng cơ hội này có rõ ràng không?
Cơ hội thì đã rõ. Vấn đề không phải là cơ hội mà là có hiện thực hóa được cơ hội hay không. Hiện tại, Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu: logistics rất yếu và rất đắt, bộ máy hành chính còn cồng kềnh, quan liêu, môi trường kinh doanh chưa thực sự tốt. Đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất kém. Người ta sang đây đặt cơ sở thì phải có công nghiệp hỗ trợ để chuỗi hoạt động, nhưng sờ đến đâu cũng không có mà đi nhập khẩu về thì cũng rất dở.
Nói chung cơ hội rất lớn nhưng để biến cơ hội thành thực tế thì Việt Nam phải có chiến lược cụ thể, ví như cấu trúc lại bộ máy quản trị công, cấu trúc lại nền kinh tế, tạo lập môi trường kinh donah tốt, phát triển hạ tầng mới có thể tiến xa được. Nếu không làm được như vậy thì cơ hội cũng sẽ qua đi hoặc có đến thì cũng chỉ được ở những phẩn thứ yếu thôi.
- Nhóm Bộ tứ kim cương đối trọng với Trung Quốc, nếu Việt Nam tham gia sâu thì phải ứng xử thế nào trong mối quan hệ với Trung Quốc?
Đây là một rủi ro lớn của Việt Nam hiện nay. Việt Nam luôn ở trong thế kẹt, trước đây kẹt giữa Liên Xô và Mỹ, giờ là kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Về mặt chính trị, ta phải hữu hảo với Trung Quốc, nhưng phát triển kinh tế lại phải trông vào Mỹ và châu Âu. Tình cảnh ấy đòi hỏi ta phải có chiến lược thông minh.
- Ở trong thế kẹt như vậy, Việt Nam có thể tham gia vào “game” của nhóm Bộ tứ ở mức độ nào?
Điều ấy tùy thuộc vào chuyện ta quyết tâm đi theo hướng nào. Nếu quyết tâm mạnh mẽ, ta có thể tiến rất xa, thâm nhập rất sâu vào các chuỗi, đó là cơ hội để kinh tế Việt Nam phát triển lâu dài. Được mời thảo luận với nhóm Bộ tứ là một cơ hội không bao giờ có lại được, nếu không sử dụng thì đành… chịu thôi.
- Nhiều người nói đây là cơ hội để Việt Nam “thoát Trung”?
Mong ước của Việt Nam là có một vị trí cao, sâu, chắc chắn trong các chuỗi cung ứng, có như vậy mới phát triển được. Chỉ khi độc lập về kinh tế thì mọi chuyện mới đổi khác, nếu không thì ta vẫn sẽ phụ thuộc nước này hoặc nước kia và cuối cùng thì chơi với ai, ta cũng phải chịu thiệt
Lưu ý là từ “thoát Trung” không nên hiểu theo nghĩa là phải tách rời Trung Quốc. Việc tách rời là không cần thiết. Vấn đề là ta chơi thế nào để có lợi.
- Việc nhóm Bộ tứ thảo luận và ý tưởng “Mạng lưới kinh tế thịnh vượng” được khởi lên bởi ông Donald Trump – một vị tổng thống vô cùng cá tính và khó đoán, ấy là chưa kể những biến động của cuộc bầu cử sắp tới tại Mỹ. Vậy cũng chưa có gì là chắc chắn đối với Việt Nam?
Đấy là rủi ro và ta cũng phải chờ kết quả của cuộc bầu cử Mỹ. Nhưng theo nhận định của tôi, việc rời Trung Quốc và đối trọng với Trung Quốc sẽ là nhất quán qua các đời tổng thống Mỹ, chỉ khác nhau về mức độ thôi.
- Vậy trong lúc chưa có gì là chắc chắn mà Trung Quốc vẫn hết sức quan trọng, ứng xử của Việt Nam sẽ là…?
Tôi nghĩ Việt Nam trước hết phải thể hiện mình nhiệt tình với ý tưởng của Bộ tứ. Và nếu đã nhiệt tình, Việt Nam cần xem xét khả năng thành hiện thực của ý tưởng để xây dựng chiến lược.
Mà kể cả không có chuyện của Bộ tứ, tôi nghĩ việc rời Trung Quốc cả về vốn, sản xuất là điều chắc chắn. Việt Nam hiện đang được coi là điểm đến khá tốt và ta cần chiến lược cụ thể để quảng bá, thu hút dòng đầu tư, công nghệ về phía mình.
Lưu ý là ta không cần thu hút quá nhiều và không có lựa chọn. Việt Nam cần thu hút vốn sạch và công nghệ cao.
Một điểm nữa cần chú ý là song song với dòng dịch chuyển của Âu Mỹ, dòng đầu tư Trung Quốc cũng sẽ tìm cách sang Việt Nam. Đầu tư Trung Quốc có thể trá hình hoặc có thể nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam để nắm lấy các ngành công nghiệp hỗ trợ của ta, cái đó cũng rất dở. Trong thu hút đầu tư, ta phải ngăn chặn cái này.
Ngoài ra thì một điểm mắc nữa của Việt Nam là vai trò quá lớn của các doanh nghiệp nhà nước. Khi doanh nghiệp nhà nước còn phủ bóng quá lớn lên nền kinh tế thì tư nhân không phát triển mạnh được. Tư nhân không mạnh thì việc tiếp nhận công nghệ rất khó, vì doanh nghiệp ngoại sang Việt Nam không phải để chơi với nhà nước. Họ chơi với tư nhân. Do đó, ta phải cải cách mạnh về thể chế kinh tế…
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
*Tiêu đề do Etime đặt lại.