Thêm hơn 167.000 tỷ vốn rẻ chảy về ngân hàng, tiền gửi không kỳ hạn không phải vô biên?

19/04/2021 14:39 GMT+7
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, có thêm hơn 167.000 tỷ đồng vốn rẻ chảy về các ngân hàng trong năm 2020. Tuy nhiên, nguồn lực tiền gửi không kỳ hạn không phải là vô biên và liên tục biến động – theo đánh giá của một lãnh đạo ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cập nhật dữ liệu về tình hình tài khoản thanh toán cá nhân tại các ngân hàng thương mại (NHTM), cùng số dư tiền gửi liên quan.

Các ngân hàng có thêm hơn 167.000 tỷ đồng vốn rẻ

Theo đó, trong năm 2020, hệ thống NHTM Việt Nam tiếp tục ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của lượng tài khoản thanh toán mở mới, cũng như lượng tiền gửi đọng lại quy mô lớn.

Cụ thể, chốt dữ liệu cuối quý IV/2020, hệ thống có 100,416 triệu tài khoản thanh toán cá nhân, với số dư lên tới 666.782 tỷ đồng. Quy mô này tiếp tục lập kỷ lục từ trước tới nay, tăng thêm hơn 11,9 triệu tài khoản và tăng thêm hơn 167.000 tỷ đồng số dư so với cuối năm 2019.

Đồng thời, lượng tiền gửi bình quân trên mỗi tài khoản cũng tiếp tục tăng lên 6,64 triệu đồng, tăng thêm khoảng 1 triệu đồng/tài khoản so với cuối năm 2019.

Thêm hơn 167.000 tỷ vốn rẻ chảy về ngân hàng, tiền gửi không kỳ hạn không phải vô biên? - Ảnh 1.

Các ngân hàng có thêm hơn 167.000 tỷ đồng vốn rẻ chảy về trong năm 2020 (Nguồn thống kê SBV)

Theo Ngân hàng Nhà nước, tài khoản thanh toán của cá nhân ở dữ liệu thống kê này là các tài khoản tiền gửi không kỳ hạn đang hoạt động của cá nhân mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng (như dịch vụ thẻ, dịch vụ thanh toán bằng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ngoài thẻ).

Nguồn lực tiền gửi không kỳ hạn không phải là vô biên?

Như vậy, chỉ riêng nhóm khách hàng cá nhân, các NHTM Việt Nam đã có nguồn vốn giá rẻ, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) quy mô lớn và tiếp tục tăng mạnh trong năm vừa qua.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lớn giúp các NHTM pha loãng chi phí huy động vốn và cải thiện lãi biên, phản ánh nền tảng lớn trong phát triển các dịch vụ thanh toán và ngân hàng số, cũng như cho thấy tiềm năng kết nối bán chéo sản phẩm dịch vụ…

Thống kê cho thấy, 4 ngân hàng có vốn nhà nước gồm: Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV có tệp khách hàng lớn, tuy nhiên không phải ngân hàng nào trong nhóm này cũng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao. Thay vào đó, nhóm NHTM cổ phần đang dẫn đầu, chiếm ưu thế trên "đường đua" CASA như Techcombank và MB.

Thêm hơn 167.000 tỷ vốn rẻ chảy về ngân hàng, tiền gửi không kỳ hạn không phải vô biên? - Ảnh 2.

Hiện, Top 5 ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn dẫn đầu thị trường bao gồm: Techcombank đang duy trì ở mức hơn 46%; MB tiếp tục gia tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn lên mức 39%; chỉ duy nhất ngân hàng có vốn nhà nước là Vietcombank lọt vào nhóm này khi có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn khoảng 30%; tiếp đến là ACB: 21,5%; TPBank: 19,4%.

Từ dự báo cuộc đua hút vốn giá rẻ ngày càng khốc liệt trong năm 2021, khi không chỉ NHTM mà cả các công ty chứng khoán, các trung gian thanh toán… cũng đang "chiếm giữ" một lượng tiền không nhỏ trong lưu thông, lãnh đạo một NHTM cho biết, nguồn lực tiền gửi không kỳ hạn không phải là vô biên và liên tục biến động. 

Trên thực tế, để tăng tiền gửi không kỳ hạn, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới chọn cách tập trung vào hệ thống thanh toán và tích cực mở rộng "hệ sinh thái".

Theo khảo sát của Nielsen, các khách hàng chọn nơi gửi tiền thanh toán sẽ chú trọng nhất đến tính thuận tiện, mức dễ dàng, nhanh chóng và phí giao dịch. Do đó khi các nhà băng có thể đảm bảo được các tiêu chí này, khách hàng sẽ có xu hướng tăng số dư tiền gửi không kỳ hạn.

Đối với các NHTM trong nước, để tăng được tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn các NHTM thời gian qua luôn có những chính sách chăm sóc khách hàng đặc biệt. 

Hơn nữa, với xu hướng phát triển ngân hàng bán lẻ, những năm gần đây các NHTM liên tục tung ra nhiều sản phẩm, dịch vụ thu hút khách hàng cá nhân. Nhiều NHTM đã chọn cách miễn phí dịch vụ để có thêm nhiều khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng phải tính toán để cân đối được hiệu quả từ việc đánh đổi giữa phí dịch vụ thanh toán và lợi ích mà tiền gửi không kỳ hạn mang lại. 


H.Anh
Cùng chuyên mục