Thị trường biệt thự và nhà phố quý I/2025 có xu hướng dịch chuyển ra sao?

Thái Nguyễn
01/05/2025 16:27 GMT +7
Trong quý I/2025, thị trường biệt thự và nhà phố tiếp tục hạn chế nguồn cung, với phần lớn dự án mới tập trung tại Hà Nội và số lượng dự án mở bán tại TP.HCM rất ít.

Giá biệt thự Hà Nội ở mức 282 triệu đồng/m2

Theo báo cáo của Savills về thị trường biệt thự và nhà phố quý I/2025, nguồn cung mở bán mới tại Hà Nội với phân khúc biệt thự, nhà phố đạt 2.319 căn, với Vingroup chiếm 97% tập trung ở đại đô thị Vinhomes Wonder City tại Đan Phượng gia nhập thị trường.

Nguồn cung sơ cấp hơn 4.000 căn từ 17 dự án, giảm 20% theo quý nhưng tăng gấp 6 lần cùng kỳ. Liền kề chiếm 64% nguồn cung sơ cấp, theo sau là nhà phố thương mại với 31% và biệt thự chiếm 5%. Tỷ lệ hấp thụ trong quý đầu năm ở mức 41%, tăng 13% theo năm.

Giá biệt thự trung bình tại Hà Nội đạt 282 triệu đồng/m2, tăng gấp đôi cùng kỳ. Giá nhà liền kề 239 triệu đồng/m2, tăng 24%. Trong khi giá nhà phố thương mại ổn định với 278 triệu đồng/m2.

Theo Savills Việt Nam, giá trị bất động sản thấp tầng 5 năm qua tại Hà Nội tăng đáng kể. Giá biệt thự tăng trung bình 29% mỗi năm, liền kề tăng 22% mỗi năm. Tuy nhiên, mức tăng của nhà phố thương mại ít hơn, chỉ dao động trong khoảng 11 - 16% mỗi năm.

Trong 2025, 9 dự án sẽ cung cấp tổng cộng 2.210 căn. Nổi bật là các đại dự án từ Tập đoàn Sunshine như Sunshine Grand Capital (Hoài Đức) và Sunshine Royal Capital (Tây Hồ). Nguồn cung còn lại đến từ các dự án hiện hữu như GIA22 by Kita (Tây Hồ) hoặc Solasta Mansion (Hà Đông). Từ 2026 trở đi, nguồn cung dự kiến sẽ có thêm 19.812 căn.

Còn tại TP.HCM, nguồn cung mở bán mới có gần 700 căn, tăng 14% so với quý trước. Trong đó, 53% là nhà phố thương mại, 21% nhà liền kề và 26% là biệt thự.

Nghiên cứu của Savills cho thấy, vào quý I/2021, sản phẩm nhà dưới 10 tỷ đồng/căn chiếm tới 60% thị phần của phân khúc này. Tuy nhiên, tới quý I/2025, tỷ lệ này chỉ còn 11%.

Ngược lại, những sản phẩm có giá hơn 30 tỷ đồng/căn tăng mạnh và chiếm hơn 70% nguồn cung sơ cấp. Điều này thúc đẩy người mua nhà dịch chuyển sang các tỉnh lân cận, nơi nguồn cung dồi dào và giá phải chăng hơn.

Biệt thự và nhà phố có xu hướng chuyển dịch ngoài trung tâm thành phố

Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội, phân khúc biệt thự, nhà phố trong quý I/2025 ghi nhận những diễn biến trái ngược tại 2 thị trường Hà Nội và TP.HCM. Tại Hà Nội, thị trường ghi nhận sự tập trung nguồn cung vào một dự án quy mô lớn và có sự quan tâm mạnh mẽ từ các nhà đầu tư vào các dự án ngoại ô có đầy đủ tiện ích.

Trong đó, thị trường tại TP.HCM vẫn bị siết chặt, với chỉ 89 dự án mở bán mới. Tỷ lệ hấp thụ giảm chỉ còn 10%, phản ánh sự ưu tiên rõ ràng của người mua đối với các nhà phố có kết nối tốt. Trong tương lai, các dự án nâng cấp hạ tầng, dự án cao tốc sẽ tạo điều kiện mở rộng nguồn cung dự án cao cấp ra ngoài khu vực trung tâm.

"Sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng tại những tỉnh phía Nam tiếp tục thúc đẩy quá trình mở rộng ra các khu vực ngoại thành và tỉnh lân cận TP.HCM. Cơ sở hạ tầng trở thành động lực làm đa dạng nguồn cung cho khu vực lân cận TP.HCM với việc hình thành nhiều khu dân cư mới và gia tăng chất lượng phát triển”, ông Matthew Powell nhấn mạnh.

Theo bà Giang Huỳnh, Giám đốc Phòng Nghiên cứu & S22M của Savills TP.HCM, nguồn cung mới khan hiếm và hàng tồn kho giá cao tiếp tục dẫn đến sự mất cân bằng cung - cầu. Thị trường kỳ vọng sẽ dịch chuyển từ trung tâm thành phố ra các tỉnh lân cận.

"Các dự án trọng điểm như đường Vành đai 3, các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu và TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang thúc đẩy quá trình mở rộng thị trường ra các khu vực ngoại thành và tỉnh lân cận TP.HCM. Hạ tầng sẽ trở thành động lực quan trọng, làm đa dạng nguồn cung và nâng cao chất lượng phát triển cho các khu vực này", bà Giang Huỳnh chia sẻ.

Xu hướng chuyển dịch ngoài trung tâm thành phố với thị trường biệt thự và nhà phố. Ảnh: Thái Nguyễn

Với thị trường Hà Nội, các chuyên gia bất động sản cho rằng, sự phát triển của hệ thống hạ tầng giao thông liên vùng như: Vành đai 3.5, mở rộng trục Tây Thăng Long... là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy thị trường nhà ở thấp tầng ở các huyện vùng ven. Đây không chỉ là những địa bàn có quỹ đất dồi dào, mà còn là khu vực đang được đầu tư mạnh về tiện ích, dịch vụ và tiềm năng tăng giá cao sau khi lên quận.

Ngoài ra, người mua cũng ngày càng quan tâm đến các dự án quy hoạch bài bản, có tiện ích nội khu đồng bộ, phù hợp với xu hướng sống xanh, sống chậm sau đại dịch. Việc giãn dân khỏi khu vực nội đô quá tải đang trở thành chiến lược sống mới của giới trung lưu và thượng lưu trẻ.

Nhìn chung, dưới tác động của nhiều yếu tố vĩ mô và thay đổi trong hành vi người mua, thị trường bất động sản Hà Nội đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc rõ rệt. Phân khúc căn hộ có dấu hiệu chững lại sau thời kỳ tăng nóng, trong khi biệt thự – nhà liền kề lại nổi lên như một kênh đầu tư an toàn và hấp dẫn trong dài hạn.

Trong các quý tới, với nhiều chính sách tháo gỡ pháp lý và sự phát triển của hạ tầng, thị trường được kỳ vọng sẽ sớm lấy lại đà tăng trưởng đồng đều hơn giữa các phân khúc.