Thị trường chứng khoán vượt 1.000 điểm: Tiền đề cho chu kỳ tăng trưởng mới 2020?
Dự báo gây sốc: VN-Index lên mốc 1.800 điểm?
Đầu tháng 11 thị trường chứng khoán Việt Nam bất ngờ xuất hiện dự báo gây sốc với việc VN-Index có thể tăng lên tới 1.800 điểm. Cho đến giữa tháng 11 chỉ số VN-Index tuy đã vượt 1.000 điểm nhưng vẫn còn khá vất vả tại ngưỡng 1.030 điểm. Dĩ nhiên đây là đánh giá mục tiêu dài hạn, nhưng con số 1.800 điểm quả là khó tưởng tượng vào thời điểm này.
Dự đoán nói trên xuất phát từ một quỹ đầu tư nước ngoài có tên Pyn Elite Fund, cũng là một quỹ đầu tư rất năng động trên thị trường Việt Nam, quản lý hơn 450 triệu USD giá trị tài sản. Các căn cứ để dự đoán VN-Index lên 1.800 điểm của quỹ này khá mơ hồ như sự tích cực của nền kinh tế, sự tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các doanh nghiệp niêm yết cũng như niềm tin vào việc thị trường tài chính Việt Nam sẽ phát triển tiến bộ hơn, Luật Chứng khoán sửa đổi được kỳ vọng sẽ thông qua cuối tháng 11, nâng hạng thị trường, giải quyết bài toán room ngoại và phát hành Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) trong những năm tới...
Thực tế với các dự đoán quá dài hạn, thị trường không có nhiều quan tâm. Tuy nhiên nếu nhìn vào các diễn biến ngắn và trung hạn vài tháng tới, thị trường vẫn có lý do để vui mừng. Việc vượt mốc 1.000 điểm sở dĩ được giới phân tích đánh giá rất cao, vì đây không đơn thuần chỉ là một con số, mà là biểu tượng của sức cản tâm lý mạnh mẽ kéo dài suốt cả năm 2019.
Thực vậy, ngưỡng 1.000 điểm sẽ còn khiến nhà đầu tư ghi nhớ mãi vì 10 tháng đầu năm, VN-Index tăng trưởng 15,6% thì toàn bộ mức tăng này chỉ tập trung vào 3 tháng đầu năm. Cả 7 tháng còn lại thị trường không tăng trưởng thêm được một chút nào. Có tới 6 lần chỉ số VN-Index không vượt qua được mốc 1.000 điểm. Chưa có ngưỡng kháng cự nào lại “bền vững” trong một thời gian dài với nhiều lần thử thách như vậy.
Vì sao thị trường lại quá khó khăn như vậy? Không có lý do rõ ràng nào lý giải điều này. Tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn rất tích cực, nhưng dường như thị trường lại lo lắng điều gì đó khác hơn. Biểu hiện đầu tiên là dòng vốn ngoại rút khỏi thị trường với quy mô rất lớn. Hiện tượng đảo chiều mạnh này rõ nét nhất là từ giữa tháng 9 và trong cả tháng 10 vừa qua, với mức bán ròng tính riêng với cổ phiếu lên tới 2.335,8 tỷ đồng. Diễn biến này nằm trong xu hướng chung của hiện tượng rút vốn khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu.
Biểu hiện thứ hai là bản thân thanh khoản trên thị trường cũng suy yếu nghiêm trọng. Giá trị giao dịch bình quân 10 tháng được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội thống kê đã giảm 53,37% so với cùng kỳ 2019. Giao dịch của Sở TP.HCM giảm liên tục và bình quân 10 tháng giảm 30% cùng kỳ. Rõ ràng dòng tiền trên thị trường chứng khoán 10 tháng đầu năm có vấn đề, đã bị rút vốn ở quy mô lớn, ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng chung của giá cổ phiếu cũng như xu hướng của thị trường.
Để bước vào một chu kỳ tăng trưởng mới, ít nhất hai yếu tố nói trên phải có sự thay đổi. Những tuần đầu tiên của tháng 11 vẫn chưa có nhiều chuyển biến lớn, nhưng vẫn có cơ sở để kỳ vọng. Dòng vốn nước ngoài đang có dấu hiệu dừng bán ròng tại thị trường Việt Nam và chuyển sang mua ròng nhẹ. Trong hai tuần đầu tháng 11, khối ngoại đã không còn bán mạnh, thanh khoản chung cũng có cải thiện nhẹ, tăng khoảng 14% so với bình quân tháng 10. Triển vọng về cơ hội chấm dứt chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và sự sụt giảm của giá vàng đang tác động tích cực lên kênh đầu tư chứng khoán nói chung.
Nội tại mạnh mẽ, chứng khoán Việt có thể là điểm sáng
Số liệu tăng trưởng GDP quý 3/2019 của Việt Nam đạt 7,3% đã gây bất ngờ lớn nhưng vẫn không tác động gì rõ rệt lên thị trường chứng khoán: Chỉ số VN-Index tháng 10 không tăng trưởng mà còn giảm nhẹ 0,08%. Tuy nhiên ngay đầu tháng 11, VN-Index đã có bước tăng trưởng vượt bậc 2,37% chỉ trong 2 tuần đầu tiên. Nhìn về mặt quy luật, thị trường chứng khoán thường đi trước chuyển biến vĩ mô, nhưng hiện tại diễn biến của thị trường lại đi sau.
Điều đó có nghĩa là kỳ vọng chưa thực sự rõ ràng, chưa tạo được niềm tin trong giới đầu tư. Việc tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong nước đã được dự báo từ sớm và các tổ chức đầu tư quốc tế cũng liên tục thay đổi dự báo về kinh tế Việt Nam theo hướng tăng dần. Rào cản cuối cùng có lẽ là yếu tố tâm lý trước các bất ổn vẫn còn.
Ảnh hưởng lớn nhất có lẽ vẫn là xung đột thương mại Mỹ - Trung chưa được giải quyết rõ ràng. Cho đến giữa tháng 11, triển vọng văn bản hóa thỏa thuận “giai đoạn 1” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa “chốt”. Tuy nhiên nhìn vào diễn biến tích cực của thị trường chứng khoán Mỹ, với các chỉ số đã đạt đỉnh cao mới trong lịch sử, thì rất có khả năng thỏa thuận thương mại sẽ đạt được. Nói cách khác, giới đầu tư vẫn biết tình hình đang thay đổi theo hướng tích cực, nhưng cần chờ một “điểm nổ” thật sự để chắc chắn không còn lo lắng về sự thất bại.
Yếu tố ảnh hưởng bên ngoài vẫn là điều bao trùm lên thị trường chứng khoán Việt Nam. Kết quả kinh doanh quý 3/2019 cho thấy 85% số danh nghiệp của 3 sàn chứng khoán (HSX, HNX và Upcom) đều báo lãi, tổng lợi nhuận sau thuế tăng 22,8% so với cùng kỳ 2018. Rõ ràng vĩ mô tăng trưởng tốt, vi mô doanh nghiệp có lợi nhuận cao. Những yếu tố cơ bản thuận lợi như vậy thì không có lý gì thị trường chứng khoán không tăng trưởng. Rào cản chỉ là sự nhận thức và chấp nhận thực thế đó mạnh hơn các lo lắng từ bên ngoài.
Diễn biến vượt mốc 1.000 điểm tồn tại suốt cả năm 2019 có thể phát đi tín hiệu của sự thay đổi. Nhìn về mặt dài hạn, kể từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam đạt đỉnh 1.200 điểm đầu tháng 4/2018, xu hướng chính là điều chỉnh giảm. Đáy thấp nhất của thị trường là 878 điểm vào ngày 3/1/2019. Phần lớn thời gian còn lại của cả năm 2019 thị trường nỗ lực phục hồi, tích lũy dưới mốc 1.000 điểm. Về mặt kỹ thuật, thị trường tích lũy càng dài thì cơ sở cho xu hướng tăng sẽ càng bền vững.