Thị trường đã có, công nghệ sẵn sàng, sản phẩm OCOP "cần phải làm ngay" điều gì?

12/07/2024 16:42 GMT+7
PSG.TS. Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh nhấn mạnh, khi nhà cung cấp đã có, công nghệ đã sẵn sàng, cơ chế chính sách đã hỗ trợ, việc sản xuất một sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt, minh bạch về thông tin truy xuất là mục tiêu cần được đặt rõ.

Tại tọa đàm "Tiếp sức sản phẩm Ocop vươn xa", hơn 55 năm "lăn lộn" cùng ngành nông nghiệp từ khi còn sản xuất đơn thuần sang tư duy làm nông nghiệp theo cơ chế thị trường, ông đánh giá, phong trào xây dựng nông thôn là phong trào rất nhân văn và làm thay đổi bộ mặt của nông thôn rất nhiều. Các nước phát triển đến với Việt Nam cũng đánh giá Việt Nam ngày càng xanh - sạch - đẹp. Đóng góp vào kết quả này, theo ông Vinh phải kể đến Chương trình OCOP.

Thực tế, chương trình OCOP không phải của riêng Việt Nam, chương trình này được triển khai ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhưng Việt Nam lại có những kết quả rất khả quan.

Hiện Việt Nam có 10.595 xã nhưng có 12.758 sản phẩm OCOP chỉ trong 6 năm. Điều đáng nói, trong 6 năm đó bao gồm 3 năm bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, có nghĩa là mỗi làng xã của chúng ta có trên 1 sản phẩm OCOP.

Thị trường đã có, công nghệ sẵn sàng, sản phẩm OCOP "cần phải làm ngay" điều gì?- Ảnh 1.

PSG.TS. Mai Quang Vinh - Viện trưởng Viện Công nghệ xanh.

Nói về mặt được, ông Vinh chia sẻ: Phong trào OCOP thay đổi được giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nhờ có OCOP, nhiều sản phẩm nông nghiệp đã được chế biến sâu, đưa ra được thị trường bằng những mẫu mã, bao bì đẹp mắt, bán được giá, hiệu quả sản xuất tăng lên nhiều lần. Từ đó, tăng thu nhập của người nông dân khi bỏ ra đồng vốn để đầu tư sản xuất, góp phần xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa địa phương...

Mặt chưa được, ông Vinh thừa nhận, sau 6 năm triển khai, việc chuyển đổi tư duy sản xuất, tư duy kinh tế là cả quá trình rất gian khổ, không đơn giản. Từ sản xuất đơn thuần phải tính đến sản xuất chất lượng cao như thế nào, bán đi đâu, bán được giá hay không, vay đồng vốn có lãi hay không... Do vậy, trong thời gian tới, các chủ thể OCOP cần phải tiếp tục khắc phục, theo Viện trưởng Viện Công nghệ xanh.

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính thời vụ; không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường ngày càng khắt khe. Thị trường cũng yêu cầu cần phải được đảm bảo về số lượng, chất lượng; năng lực sản xuất, phân phối thương mại của các cơ sở sản xuất OCOP còn yếu, mẫu mã bao bì chưa tạo sự hấp dẫn đối với người tiêu dùng.

Cũng theo ông Vinh, các sản phẩm của chúng ta hiện nay chưa thuyết phục được lượng lớn đối tác, người tiêu dùng vì chưa minh bạch trong truy xuất nguồn gốc. Mỗi phẩm ra thị trường phải cho người tiêu dùng biết được sản xuất trên đất nào, nguyên liệu nào, sản xuất như thế nào, thời hạn sử dụng ra sao... nhưng khâu này còn rất yếu, hầu như chưa truy xuất được, chưa quản lý giám sát tốt. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần phải khắc phục những hạn chế này

"Khi nhà cung cấp đã có, công nghệ đã sẵn sàng, cơ chế chính sách đã hỗ trợ, việc sản xuất một sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt, minh bạch về thông tin truy xuất là mục tiêu cần được đặt rõ", ông Vinh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đến năm 2027, Việt Nam sẽ hoàn thành những cam kết về chống biến đổi khí hậu tại COP26, trong đó tiêu chí NetZero đến năm 2050 có lượng phát thải các-bon thấp. Vì vậy, tất cả sản phẩm của chúng ta phải có chứng chỉ các-bon thấp, có dán nhãn xanh.

Ngoài ra, chúng ta đang trong thời kỳ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nên "càng cần phải làm ngay" để năng cao giá trị của sản phẩm OCOP.

"Nếu chúng ta dễ dãi trong việc công nhận sản phẩm OCOP, chỉ quan tâm đến mẫu mã, bao bì đẹp mà không quan tâm đến chất lượng, minh bạch, các vấn đề môi trường - xã hội... sẽ không đạt hiệu quả. Thế giới đã đi rất nhanh về vấn đề này thì chúng ta cũng cần tăng tốc để chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu đến cả những thị trường khó tính", PSG.TS. Mai Quang Vinh.

Ông cũng mong muốn, chúng ta siết chặt mối quan hệ 5 nhà, đó là: Nhà nước - Nhà nông - Nhà thương nghiệp - Nhà băng - Nhà khoa học.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục