Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Hạn mức tín dụng không còn là vấn đề, "rót" 3 triệu tỷ đồng cho nông nghiệp – nông thôn
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, cả nước có gần 680 doanh nghiệp (trong đó, có 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, chiếm gần 6% số doanh nghiệp cả nước và 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, chiếm gần 2,4%) nhưng nắm một lượng tài sản rất lớn hơn 3,8 triệu tỷ đồng (trong đó, vốn Nhà nước đầu tư gần 1,7 triệu tỷ đồng; riêng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ với tổng vốn trên 1,55 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 7% tổng tài sản và 10% vốn chủ sở hữu, chiếm khoảng 25,78% tổng vốn sản xuất, kinh doanh và 23,4% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của toàn bộ doanh nghiệp cả nước).
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, do tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như tất cả các khó khăn của người dân và doanh nghiệp trong cả nước, trong đó có doanh nghiệp Nhà nước (NHNN) đều gặp những khó khăn trong vấn đề giải quyết dòng tiền, tín dụng. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 01 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ trong giai đoạn 2019-2020; trong năm 2023, ban hành Thông tư số 02 cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, trong đó có Doanh nghiệp Nhà nước, điều này cũng để giúp cho các bên doanh nghiệp có thể cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tiếp tục vay dư nợ của các tổ chức tín dụng trong hệ thống.
Riêng về cung ứng và các chính sách tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, Thống đốc nhấn mạnh, tín dụng cho nông nghiệp – nông thôn, trong đó có lúa, gạo, đây là một lĩnh vực mà Chính phủ cũng có chủ trương ưu tiên, NHNN cũng là bộ ngành chủ trì phối hợp với các bộ, ngành khác trình Chính phủ ban hành Nghị định về tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, trong đó có rất nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất, thời hạn, tài sản đảm bảo…; Bên cạnh đó, NHNN cũng áp dụng các công cụ khác như công cụ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất trần đối với lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn.
Đến nay, dư nợ cho lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn của toàn hệ thống đạt khoảng 3 triệu tỷ đồng trên quy mô 12 triệu tỷ đồng của cả hệ thống, con số này chứng minh rằng, tín dụng đối với lĩnh vực này đang được Chính phủ và NHNN đặc biệt quan tâm.
Đối với hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, Thống đốc cho biết, trên thực tế, hạn mức tín dụng cho từng doanh nghiệp đi vay vốn, vấn đề này hoàn toàn do các TCTD tự quyết định dựa trên đánh giá sự uy tín, tín nhiệm của khách hàng, NHNN chỉ điều hành tăng trưởng tín dụng trên góc độ toàn hệ thống, như năm nay, NHNN đã phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD toàn hệ thống ở mức 14%,. "Do vậy, có thể nói rằng, hạn mức tín dụng không còn là vấn đề nữa", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Liên quan đến ý kiến cho rằng bản thân các ngân hàng cho vay không cần dự án khả thi?
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, đó cũng là một quan điểm. Trên thực tế, luật và các văn bản quy định khi khách hàng đi vay phải đủ khả năng trả nợ thì điểm này, chúng tôi cũng không quy định chi tiết chỉ quy định có khả năng trả nợ. Bản thân các tổ chức tín dụng sẽ phải kiểm tra, thẩm định và yêu cầu các doanh nghiệp phải chứng minh có khả năng. Cái này cũng thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng. NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng xem xét, rà soát các thủ tục", Thống đốc làm rõ.
Đối với vấn đề tỷ giá, Thống đốc cho rằng, khi xuất khẩu, tỷ giá mà các nước phá giá nhiều thì giá của họ sẽ được lợi hơn, cạnh tranh về giá, đấy là đối với các doanh nghiệp Dệt may. Còn đối với NHNN, khi điều hành chính sách tỷ giá đứng trên cục diện của toàn quốc gia, có doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp nhập khẩu, được lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng sẽ vất vả cho doanh nghiệp nhập khẩu vì sẽ phải chịu chi phí.
Theo số liệu được công bố, năm 2022, Việt Nam có xuất siêu là hơn 12 tỷ USD, của doanh nghiệp FDI là xuất siêu đến 36 tỷ đô la Mỹ, còn của chúng ta khoảng 30 tỷ USD. Sản xuất trong nước của chúng ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, hàng hóa, máy móc và nguyên vật liệu của nước ngoài, do vậy Thống đốc cho rằng, nếu tỷ giá tăng lên, các doanh nghiệp trong nước sẽ rất vất vả.
Còn phía các nhà đầu tư nước ngoài, tỷ giá của chúng ta tăng nhanh thì các doanh nghiệp này cũng không yên tâm bởi vì nếu hoạt động có lãi, nếu chuyển ra ngoại tệ để chuyển về nước thì doanh nghiệp sẽ thấy được vấn đề. Chính vì vậy, ổn định tỷ giá, không có nghĩa là cố định nhưng cũng phải phù hợp.
"NHNN cũng phải cân nhắc trên góc độ cục diện toàn nền kinh tế chứ không phải trên góc độ ổn định của một doanh nghiệp nào cả", Thống đốc nói.