Thông tin dồn dập, VietcomBank đua cùng Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

16/12/2020 06:27 GMT+7
Với mức thị giá đứng vùng đỉnh lịch sử của cổ phiếu VCB, ngân hàng lợi nhuận tỷ USD “soán ngôi” Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành doanh nghiệp niêm yết có vốn hóa lớn nhất.

Gắn liền với tên gọi "ngân hàng lợi nhuận tỷ USD", Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VietcomBank - VCB), các thông tin liên quan đến hoạt động của nhà băng này luôn là tâm điểm thu hút dư luận, đặc biệt là giới đầu tư trên thị trường.

Chỉ tính riêng trong nửa đầu tháng cuối cùng của năm 2020, VietcomBank dồn dập công bố nhiều thông tin gây sự chú ý như vấn đề về cổ tức, nới room tín dụng...

Thông tin dồn dập, VietcomBank đua cùng Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 1.

VietcomBank công bố thông tin liên quan đến phương án chia cổ tức, được nới room tín dụng...

Thông tin dồn dập từ VietcomBank

Cụ thể, về vấn đề tăng vốn, VietcomBank cho biết ngày 22/12 tới đây, nhà băng này sẽ chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 800 đồng. Thời gian thanh toán vào 8/1/2020.

Với hơn 3,7 tỷ cổ phiếu đang niêm yết và lưu hành, VietcomBank dự chi khoảng gần 3.000 tỷ đồng trả cổ tức đợt này cho cổ đông.

Được biết, trong năm 2019, VietcomBank đạt 18.510 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 26,7% so với năm trước đó. EPS đạt 4.481 đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến 31/12/2019 đạt 26.055 tỷ đồng.

Liên quan đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT VietcomBank vừa tiết lộ, đến hết tháng 11 tín dụng tại VietcomBank đã tăng trưởng 10% và mới đây, nhà băng này đã được Ngân hàng Nhà nước nới room lên 14%. Theo dự kiến, cả năm nay VietcomBank sẽ tăng trưởng tín dụng khoảng 13 - 14%.

Mặc dù tín dụng tăng trưởng cao song, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank vẫn duy trì dưới 1% - thấp nhất toàn ngành. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt đến 260%, tức là có 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng trích lập 260 đồng dự phòng - mức cao nhất hệ thống. Thời gian tới đây phần dự phòng sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận.

Về kết quả kinh doanh, mặc dù lợi nhuận sụt giảm 9,4% so với cùng kỳ, lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2020 của VietcomBank vẫn và quán quân lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng, đạt 15.965 tỷ đồng.

Theo nhận định của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), quý cuối năm 2020 Vietcombank có thể sẽ chứng kiến một kết quả tích cực đáng kể nhờ ghi nhận phí trả trước. VDSC ước tính lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 23% trong quý cuối năm, trong đó thu nhập bất thường đóng góp 22%.

VietcomBank "soán ngôi" Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Với hàng loạt thông tin "đổ về", cùng với sự sôi động "chưa từng có" kể từ đầu năm đến nay của thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCB của VietcomBank cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng, thậm chí vượt đỉnh trong những phiên giao dịch gần đây.

Theo đó,  sau giai đoạn phục hồi nhanh và mạnh từ vùng đáy hồi cuối tháng 3, cổ phiếu VCB bắt đầu có dấu hiệu "hụt hơi" và gần như đi ngang kể từ trung tuần tháng 6.

Tuy nhiên, đến giữa tháng 11, cổ phiếu này liên tục leo dốc, và đạt đỉnh lịch sử (tính theo giá điều chỉnh) 99.900 đồng/cổ phiếu vào ngày 14/12.

Thông tin dồn dập, VietcomBank đua cùng Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu VCB của VietcomBank

Mặc dù có điều chỉnh trong phiên giao dịch ngày 15/12 về mức 97.800 đồng/cổ phiếu, nhưng mức giá này vẫn thuộc vùng giá cao nhất lịch sử của VCB (sau điều chỉnh). So với mức giá đáy ghi nhận vào hồi tháng 3 vừa qua, thị giá của VCB đã tăng tới 75%.

Với hơn 3,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, vốn hóa thị trường của VietcomBank tương ứng vào khoảng 362.728 tỷ đồng. Như vậy, VietcomBank đã vượt qua Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán. Hiện vốn hóa của Vingroup ước khoảng 361.920 tỷ đồng.

Thông tin dồn dập, VietcomBank đua cùng Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Ảnh 4.

Trong năm 2020, vốn hóa của Vietcombank trước đó cũng đã vượt qua Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vào phiên giao dịch ngày 10/12, nhưng sau đó lại tụt hạng kể từ phiên 11/12.

Hồi đầu tháng 6, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng phải nhường lại "ngôi vương" về vốn hóa trên sàn chứng khoán cho VietcomBank. Tại thời điểm đó, Vietcombank vốn hóa 330.000 tỷ đồng, cao hơn con số 321.000 tỷ đồng của Vingroup.

Vietcombank từng là doanh nghiệp niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán vào năm 2009. Vị trí này sau đó chuyển sang Bảo Việt, PV Gas, Vinamilk. Năm 2017, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trở thành doanh nghiệp có giá trị niêm yết lớn nhất và giữ ngôi vị này kể từ đó đến nay, trước khi phải chia sẻ vị trí này với "ngân hàng lợi nhuận tỷ USD" VietcomBank.

Huyền Anh
Cùng chuyên mục