Thủ đoạn phạm tội mới thuốc giả, sữa giả, trụ sở ảo ở nước ngoài

An Linh
26/04/2025 15:37 GMT +7
Nhóm đối tượng vi phạm về thuốc giả vừa qua sử dụng thủ đoạn phạm tội mới, tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài

Liên quan đến các vụ việc sữa giả, thuốc giả vừa được các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện vừa qua, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) vừa có những chia sẻ với báo chí về thực trạng nhức nhối này.

Theo Cục trưởng Trần Hữu Linh, một số doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các thủ tục, giấy tờ kinh doanh theo quy định pháp luật để che đậy các vi phạm của sản phẩm mà chỉ có thể phát hiện khi đem đi kiểm nghiệm.

Bộ Công Thương tiếp tục thông tin vụ sữa giả (Ảnh: VTV)

Tuy nhiên, sản phẩm, hàng hóa chưa có phản ánh hay dấu hiệu vi phạm để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.

Bên cạnh đó, qua tìm hiểu, ông nhận thấy các đối tượng này đã gian lận trong tên gọi của sản phẩm là “sữa”, “thuốc” nhưng thực chất tên gọi theo công bố và ghi nhãn sản phẩm là “thực phẩm bảo vệ sức khỏe”, “thực phẩm bổ sung”, “Sản phẩm dinh dưỡng công thức”, “Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt” ...

Nhóm đối tượng vi phạm về thuốc giả vừa qua sử dụng thủ đoạn phạm tội mới. Chúng không làm giả các sản phẩm đang lưu hành trên thị trường mà tự đặt ra tên thuốc và tên công ty, trong đó phần lớn có trụ sở "ảo" ở nước ngoài như Malaysia, Singapore…

Sau khi sản xuất, dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ buôn bán thuốc cho các công ty dược, các đối tượng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu là "hàng xách tay". Để tạo niềm tin, ban đầu chúng trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trước khi bán ra thị trường nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

Các đối tượng thuê kho làm nơi sản xuất tại các khu vực vắng người qua lại, ngõ cụt, sâu trong hẻm.

“Sau đó, chúng thuê công nhân sản xuất là người nhà hoặc người quen, chủ yếu từ các địa phương khác. Trong quá trình sản xuất, công nhân ăn ở khép kín tại kho xưởng, không tiếp xúc với người dân xung quanh để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng” – ông Linh cho biết.

Trước thực trạng trên, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đề nghị các bộ ngành hiện đang có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm cũng như đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp cung cấp, chia sẻ hoặc thông báo thường xuyên thông tin về các doanh nghiệp đã thực hiện công bố các sản phẩm.

Các Bộ, ngành, cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về quản lý Nhà nước và kiểm tra, xử lý vi phạm đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chế biến nói chung, thuốc, dược phẩm, sữa nói riêng.