Thu phí rác thải sinh hoạt theo kilogam: Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích thế nào?

Hoàng Thành - Ngọc Lương (ghi) Thứ sáu, ngày 12/06/2020 15:53 PM (GMT+7)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà vừa có trao đổi với báo chí số vấn đề liên quan đến việc thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng đang được nhiều người quan tâm trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Bình luận 0

Ngày 12/6, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có trao đổi với báo chí liên quan tới một số vấn đề trong việc thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng được nhiều người quan tâm trong Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Xả rác nhiều phải trả tiền nhiều

Thưa Bộ trưởng, việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng đang nhận được nhiều sự quan tâm của người dân. Ông có thể nói rõ hơn về dự kiến việc thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng?

- Việc thu phí rác sinh hoạt theo khối lượng có nghĩa là không đánh đều bình quân, thu theo kiểu 10.000 – 20.000 nghìn/hộ mà tính trên lượng rác, đo bằng khối lượng, thể tích.

Thông thường đo bằng khối lượng thì không thực tế nên chủ yếu người ta đo bằng thể tích. Trên bao bì đó người ta tính khoảng bao nhiêu m3 rác, tính theo thể tích là phù hợp hơn. Còn tính theo lượng có nghĩa là anh ta xả ra khối lượng nhiều, tức thể tích nhiều thì anh phải trả tiền nhiều, chứ không đánh đều trung bình, bình quân. 

Dân xả rác nhiều phải trả tiền nhiều: Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời phóng viên bên hàng lang Quốc hội, ngày 12/6.

Vậy việc đo khối lượng hay thể tích rác được thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng?

- Có nhiều cách thực hiện, nhiều nước tính tiền rác qua bao bì. Nghĩa là, thực hiện phân loại rác với các bao bì, túi đựng rác, có thể có màu sắc, thể loại khác nhau. Từ đó có thể xác định được khối lượng, thể tích rác thải để có thể tính toán việc thu tiền rác thải.

Vậy chúng ta có lo ngại chi phí xử lý rác thải mà người dân phải chi trả sẽ tăng lên?

- Nhu cầu của người dân là khác nhau, có người sẵn sàng chi trả nhưng có người còn khó khăn nên Nhà nước sẽ hỗ trợ cho một số đối tượng nhất định.

Tức là, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi phí một phần để mục tiêu chung là những nhà cung cấp dịch vụ đảm bảo được lợi nhuận tối thiểu duy trì hoạt động sản xuất. Đó là những điều chúng ta phải làm và dự thảo luật phải quy định điều đó. Có như vậy mới xã hội hoá được để hình thành được ngành xử lý môi trường.

Có thể nói, vứt rác bừa bãi, thậm chí vứt trộm dường như đã trở thành thói quen của rất nhiều người dân Việt Nam. Vậy lộ trình thực hiện sẽ thế nào, thưa Bộ trưởng?

- Hàn Quốc phải mất 10 năm để thực hiện được vấn đề này. Khi đưa ra chính sách như vậy phải xác định trách nhiệm từ khâu phân loại đến thu gom, xử lý rác.

Quan trọng là người dân có nhận thức đầy đủ vấn đề này hay không, vì đây là việc người dân trực tiếp phân loại rác ngay ở khâu đầu. Nếu người dân ủng hộ, tôi sẽ tin thành công.

Về phía Nhà nước sẽ bảo đảm các điều kiện, khuyến khích để người dân tham gia. Cùng với đó, Nhà nước phải đầu tư đồng bộ công nghệ trong quá trình vận chuyển, xử lý rác, loại nào tái chế thì tách riêng ra, loại nào phải xử lý như đốt đưa thành nhiệt năng…

Một yếu tố quan trọng nữa là vai trò truyền thông của báo chí, làm sao tuyên truyền để bà con hiểu khi làm việc này chính là bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình.

Hơn nữa, để đi vào thực chất phải có sự giám sát của người dân chứ không thể chỉ cơ quan nhà nước giám sát. Chúng ta có nhiều chế tài xử lý, nhưng quan trọng nhất là giám sát của cộng đồng.

Dân xả rác nhiều phải trả tiền nhiều: Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói gì? - Ảnh 3.

Liệu chúng ta có đủ nguồn lực làm hay không khi các đơn vị môi trường đang có năng lực hạn chế?

- Chúng ta phải xác định rác là tài nguyên, nên cần phải có lực lượng là ngành công nghiệp xử lý chất thải. Do đó, phải tính làm sao giá xử lý đủ chi phí để các nhà đầu tư thấy được lợi để đầu tư vào.

Nhà nước và các địa phương phải có chính sách phù hợp. Để thu hút xã hội thì giá xử lý phải đảm bảo được chi phí đầu tư, vận hành, có lãi. Hiện chi phí xử lý rác thải sinh hoạt rất thấp thì khó có thể thu hút đầu tư.

Chúng ta phải tính toán chi phí cho phù hợp, yêu cầu các đơn vị là doanh nghiệp khi xả rác phải chi trả đúng giá. Còn với người dân, nhà nước có thể hỗ trợ cho những đối tượng chính sách, gia đình khó khăn.

Mục tiêu là làm sao thu phí xử lý rác thải để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia có lãi. Có như vậy ngành xử lý rác thải mới thu hút được những doanh nghiệp có năng lực, có công nghệ, quản trị tốt.

Xử phạt thật nghiêm, tiền xử phạt đủ lớn để răn đe

Vấn đề này có được đưa vào trong luật không, thưa Bộ trưởng?

- Vấn đề này không quy định cụ thể trong luật mà sẽ đưa ra nguyên tắc, trên cơ sở đó các địa phương quy định cụ thể quá trình đó. Việc này có thể cụ thể hoá bằng nghị định, thông tư chứ không đưa vào chi tiết khi đưa ra dự Luật này.

Dự Luật chỉ nói nguyên tắc là không tính tiền xử lý rác "đổ đồng" mà trên cơ sở người nào xả rác ra nhiều thì phải trả nhiều hơn. 

Tức là dựa trên lượng rác, thông thường các nước dựa vào thể tích túi bao bì. Còn việc quy định màu nào, chia bao nhiêu loại túi, cách tính toán thế nào thì sẽ do văn bản dưới luật hướng dẫn.

Có ý kiến cho rằng phải tăng chế tài xử phạt với các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường?

- Đó là quan điểm khi xây dựng dự án luật này với các quy định về thanh tra, kiểm tra không cần thông báo trước. Xử lý vi phạm sẽ ở khung mức cao nhất và phải bằng mức chi phí mà nhà sản xuất vi phạm, trốn tránh để mang lại lợi nhuận phi pháp của mình…

Tất nhiên, việc đưa ra mức xử phạt như thế nào thì phải được Quốc hội cho phép. Nhưng quan điểm là phải xử phạt thật nghiêm, tiền xử phạt đủ lớn để răn đe, không để nhờn luật.

Có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất mà không cần thông báo trước. Nhưng có lo ngại rằng điều này sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng, luật này sẽ thiết kế như thế nào?

- Lo ngại đó quá đúng! Việc thanh tra đột xuất không cần báo trước sẽ có quy định về cấp thẩm quyền quyết định để không được tuỳ tiền. Ví dụ đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường thì Bộ trưởng sẽ quyết định việc thanh tra đột xuất.

Còn vì sao thanh tra đột xuất? Vì đối tượng qua thanh tra, kiểm tra nhiều lần thấy chưa khắc phục hành vi vi phạm; thứ 2 thông qua tình hình, người dân phản ánh; thứ 3, lĩnh vực đó có nguy cơ, liên quan đến chất thải lớn.

Quan trọng nhất không được tuỳ tiện. Quyết định phải do người có trách nhiệm quyết định như Thanh tra Bộ TNMT thì phải do Bộ trưởng cho phép thì mới được thanh tra đột xuất. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem