Thủ tục hành chính rườm rà khiến doanh nghiệp thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi bổ sung gặp khó

Thiên Hương Thứ bảy, ngày 31/12/2022 11:17 AM (GMT+7)
Một số doanh nghiệp thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và mặt hàng thức ăn chăn nuôi bổ sung đang gặp khó khăn do sự chồng lấn giữa 2 quy định chứng nhận hợp quy và đăng kí lưu hành cho sản phẩm thuốc thú y, thức ăn bổ sung.
Bình luận 0

Doanh nghiệp thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi bổ sung gặp khó

Ông Nguyễn Minh Đức – đại diện Vụ Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết như vậy tại Diễn đàn “Doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức mới đây.

Cụ thể, ông Đức cho biết: Chúng tôi đã cùng làm việc với phía Bộ NNPTNT, quả thật là phải trầy trật rà soát từng câu từng chữ. Điều đó cho thấy việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường hoạt động kinh doanh đang được Bộ NNPTNT thực hiện rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp phản ánh với chúng tôi thủ tục hành chính vẫn còn rất rườm rà.

"Ví dụ, một số doanh nghiệp thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và mặt hàng thức ăn chăn nuôi bổ sung đang gặp khó khăn do sự chồng lấn giữa 2 quy định chứng nhận hợp quy và đăng kí lưu hành cho sản phẩm thuốc thú y, thức ăn bổ sung. Hiện tại 2 mặt hàng này phải thực hiện đồng thời cả 2 chứng nhận hợp quy và đăng kí lưu hành, tức là còn cẩn thận chặt chẽ hơn cả thuốc dành cho người" - ông Đức nói.

Hiện tại Bộ NNPTNT đã tạm hoãn chứng nhận hợp quy với thuốc thú y nhưng thức ăn bổ sung chưa thực hiện. "Chúng tôi cho rằng cần sửa đổi quy định này, vì việc chồng lấn giữa 2 quy định là rất vô lý" - ông Đức nhấn mạnh thêm.

Thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, ảnh hưởng đến điều hành sản xuất, thị trường nông sản - Ảnh 1.

Các đại biểu phát biểu tại Diễn đàn “Doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, do Tổng

Thực tế cho thấy những bất cập trong điều hành, chính sách sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc điều hành thị trường, xuất khẩu sản phẩm nông sản. Ông Đức lấy ví dụ như với điều hành giá lợn, nếu chúng ta có đầy đủ thông tin về thị trường thì có thể cảnh báo tốt hơn. 

Khi có thông tin tăng cung thì đưa ra cảnh báo tái đàn, điều này sẽ giúp người chăn nuôi chuẩn bị phương án kinh doanh tốt hơn cũng như cơ quan quản lý điều hành thị trường tốt hơn. Để có thông tin, thì cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lí và các hiệp hội để thu thập thông tin.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT cho biết, năm 2022, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ NNPTNT về nông nghiệp, nông thôn, nông dân đã được ban hành. Từ đó, thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước với giá trị cao, mang lại nguồn thu lớn cho địa phương, doanh nghiệp và ngân sách nhà nước, giúp cải thiện đời sống của người nông dân, đưa nền nông nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới.

Có thể nói năm 2022, ngành nông nghiệp nước ta đã đạt được thắng lợi toàn diện trên tất cả các mặt, đặc biệt kim ngạch xuất khẩu đạt 52,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021. Tuy nhiên, thành tích trên vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn hạn chế, nông dân vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Từ năm 2009 đến 2021, cả nước có 1.984 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp còn hiệu lực, tổng số vốn lũy kế xấp xỉ 18 tỉ USD, chỉ chiếm 4,3% tổng số vốn FDI vào Việt Nam.

Năm 2022, cả nước có hơn 800 doanh nghiệp đăng kí mới hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, đưa tổng số doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản lên hơn 14.000 doanh nghiệp, tuy nhiên số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới gần 80%. 

"Một trong những nguyên nhân là môi trường đầu tư kinh doanh chưa thực sự thuận lợi, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nông nghiệp còn thiếu đồng bộ, chưa tạo ra động lực đủ mạnh để thu hút đầu tư vào khu vực này. Doanh nghiệp chúng tôi muốn mở rộng đầu tư sản xuất giống ngao tại Nam Định, nhưng quỹ đất hạn hẹp, tỉnh lại quy hoạch tới 4 khu công nghiệp nên môi trường không đảm bảo cho con ngao giống phát triển" - ông Nguyễn Hồ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty Thuỷ sản Lenger cho hay. 

Cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà

Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed cho biết: Vai trò của doanh nghiệp (DN) là người góp phần phát triển kinh tế đất nước, sản xuất và cung ứng sản phẩm cho xã hội, DN lăn vào cuộc sống, thấy rõ cái đúng, cái hay và cái chưa phù hợp để góp ý cho chính sách. 

"Nhưng nhiều khi tiếng nói, góp ý của doanh nghiệp ít được lắng nghe và vận dụng. Ví dụ như Nghị định 210 được xây dựng nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mà sửa đi sửa lại mãi vẫn chưa xong" - ông Báo nói. 

Thủ tục hành chính rườm rà khiến doanh nghiệp thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi bổ sung gặp khó - Ảnh 3.

Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinh Seed phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Trần Mạnh Báo chia sẻ thêm: Tôi là người đã trải qua nửa thế kỷ làm giống cây trồng, từng tham gia xây dựng Pháp lệnh Giống cây trồng 2004, tôi nhận thấy trải qua 14 năm Pháp lệnh đi vào cuộc sống đã góp phần khẳng định vai trò của giống cây trồng Việt Nam, đóng góp vào những thành công trong xuất khẩu nông sản. Nhưng trong Luật Trồng trọt năm 2018 hiện nay, khi đi vào thực hiện đang bộc lộ rất nhiều điều bất cập, không phù hợp và không đồng nhất với Luật Sở hữu trí tuệ. 

Ở một số nước đã bỏ luật giống cây trồng mà chỉ công nhận bảo hộ, ví dụ như Thái Lan. Trong khi hiện nay, Luật Sở hữu trí tuệ của chúng ta bảo hộ giống cây trồng trong thời gian 20 năm, nhưng theo Luật Trồng trọt thì chỉ bảo hộ 10 năm, điều đó cho thấy sự bất cập giữa 2 luật này, cần phải chỉnh sửa để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. 

"Vốn thì hỏi doanh nghiệp nào cũng cần, nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả là cần tạo cơ chế thuận lợi hơn để doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh" - ông Báo nói thêm. 

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trường Thắng – Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết: Trong những năm gần đây, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thu hút đầu tư là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế-xã hội. Để triển khai thực hiện, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, Bộ NNPTNT PTNT đã thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành từ 7.698 dòng hàng xuống còn 1.768 dòng hàng (tỷ lệ cắt giảm: trên 77%). Danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành đã được công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Bộ (https://www. mard.gov.vn/Pages/vbpq-toanvan.aspx?ItemID=132335).

Bộ cũng trình Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó lĩnh vực nông nghiệp hiện có 272 điều kiện kinh doanh; đã bãi bỏ, sửa đổi theo hướng đơn giản hóa 251 điều kiện kinh doanh, trong đó bãi bỏ 115 điều kiện kinh doanh... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem