Thủ tướng: Chấp nhận "đau đớn" để giải quyết các dự án tồn đọng
Thống kê từ các địa phương cho thấy, cả nước có khoảng 2.200 dự án đang tồn đọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về tình trạng lãng phí liên quan các dự án tồn đọng, kéo dài nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ, cũng như lãng phí liên quan các chính sách không phù hợp như lĩnh vực điện gió, điện mặt trời.
"Nếu tháo gỡ được có thể giải phóng được khoảng hơn 230 tỷ USD, tương đương khoảng 50% GDP cả nước. Để có thể giải phóng nguồn lực ở các dự án tồn đọng, Chính phủ đang tiếp tục xây dựng các cơ chế chính sách trình các cấp có thẩm quyền để xử lý", Thủ tướng nói.
Riêng về điện gió, điện mặt trời, vừa qua phải xử lý một loạt dự án thông qua Nghị quyết 133. Nguyên nhân xuất phát từ chính sách không tốt, dẫn đến tiêu cực, ồ ạt xây dựng các dự án không đúng quy hoạch, không đúng thủ tục…

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định quan điểm là không hợp thức hóa sai phạm nhưng cần tìm giải pháp để xử lý. Như xử lý về mặt tổ chức, con người, xử lý về mặt thể chế, tháo gỡ pháp lý, tháo gỡ cách thức thực hiện.
"Tình hình thay đổi, thì nhiệm vụ phải thay đổi, cơ chế chính sách phải thay đổi", Thủ tướng nói.
Đáng chú ý, Thủ tướng cho rằng, cần phải chấp nhận đây như "căn bệnh", mà đã có bệnh thì phải chữa, song chữa thì phải đúng. "Chữa bệnh, một là phải mổ xẻ thì phải đau đớn, chịu mất máu, hai là chữa lâm sàng, uống thuốc cũng vẫn phải mất tiền.
Tóm lại, nếu khắc phục hậu quả không thể nào đòi hỏi thu về 100%, cần phải chấp nhận mất mát, chấp nhận đau đớn, chấp nhận những cái phải cắt bỏ", Thủ tướng nêu quan điểm.
Ông cũng nhấn mạnh rằng, điều quan trọng là khi cắt bỏ những đau đớn này sẽ cho chúng ta những bài học mới, cho chúng ta kinh nghiệm mới để tránh lặp lại trong tương lai.
"Giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng là việc không thể không làm. Phải chấp nhận sự mất mát nào đó, coi đó là học phí. Từ đó đưa ra cơ chế chính sách, quyết tâm giải quyết và giải quyết dứt điểm", Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng đất đai lâm trường, nông trường cũng là vấn đề nhức nhối. Trước đây, việc quản lý, thành lập nông lâm trường rất cần thiết trong quá trình phát triển, nhưng khi tiến hành lại buông lỏng quản lý, không có chính sách kịp thời, linh hoạt và hiệu quả.
Vì thế, bây giờ phải đi giải quyết hậu quả cả pháp lý và thực tiễn, làm sao khắc phục tối ưu nhất, nếu không chấp nhận đau đớn, mất mất thì không giải quyết dứt điểm được.
Về xử lý các trụ sở sau tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn, nhưng quan trọng nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, để không lãng phí thì có nhiều cách làm, phải vận dụng sáng tạo trong điều kiện cụ thể tại địa phương, cơ quan, đơn vị, miễn là không tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, còn luật pháp không bao giờ bao phủ được hết các góc cạnh của cuộc sống.