Thủ tướng đồng ý đầu tư sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP

21/12/2021 08:57 GMT+7
Ngày 20/12, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không (sân bay) Quảng Trị theo hình thức PPP.

Mục tiêu xây dựng sân bay Quảng Trị để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển chính trị, kinh tế - xã hội.

Đồng thời, đảm bảo tính cơ động cao trong việc phòng thủ, cứu hộ, cứu nạn và đảm bảo quốc phòng - an ninh, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển GTVT.

Theo quyết định này, sân bay Quảng Trị được xây dựng tại huyện Gio Linh, cấp 4C (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II, công suất 1 triệu hành khách/năm và 3.100 tấn hàng hóa/năm.

Thủ tướng đồng ý đầu tư sân bay Quảng Trị theo hình thức PPP - Ảnh 1.

Mô phỏng sân bay Quảng Trị. Ảnh: VGP

Trong giai đoạn 1, sẽ xây dựng các công trình cơ bản của sân bay Quảng Trị đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác của CHK đạt khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.

Giai đoạn 2, đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại cảng hàng không, sân bay năm 2029; Mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách; Mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khai thác khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khai thác khoảng 25.500 tấn/năm.

Theo đó, dự kiến thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng từ năm 2021 - 2024; thời gian thực hiện đầu tư xây dựng 22 tháng kể từ ngày ký hợp đồng và đầu tư theo hình thức PPP.

Trong đó, dự án thành phần 1 (GPMB và xây dựng cơ quan Nhà nước tại cảng hàng không) thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Dự án thành phần 2 (xây dựng cảng hàng không), thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Dự án sân bay Quảng Trị có tổng mức đầu tư dự kiến cả 2 giai đoạn là 5.822,9 tỷ đồng.

Trong đó, giai đoạn 1 là 2.913,6 tỷ đồng, bao gồm: Vốn do nhà đầu tư huy động 2.680,5 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 380 tỷ đồng, vốn vay tín dụng là 2.300,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách trung ương hỗ trợ để thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư là hơn 233 tỷ đồng.

Giai đoạn 2 dự kiến cần 2.909,3 tỷ đồng, bao gồm vốn nhà đầu tư 2.829,6 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu là 1.080,1 tỷ đồng, vốn vay tín dụng là 1.749,5 tỷ đồng) và vốn ngân sách Nhà nước là 79,7 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện dự án theo đúng quy hoạch, chủ trương đầu tư được duyệt và các quy định có liên quan.

Tỉnh Quảng Trị cũng chịu trách nhiệm toàn diện trong việc lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch, chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ.

Trước đó, cho đến nay, dự án sân bay Quảng Trị đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điển hình là Tập đoàn FLC, hãng hàng không Vietjet và một nhà đầu tư tiềm năng đến từ Thái Lan, gần đây nhất là Tập đoàn T&T.

Đáng chú ý, Tập đoàn T&T là nhà đầu tư lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đây cũng không phải lần đầu tiên Tập đoàn này bày tỏ sự quan tâm với các dự án hàng không.

Trước đó, năm 2015, Tập đoàn T&T đã có đơn gửi Bộ GTVT đề nghị được tham gia đầu tư chiến lược vào Cảng Hàng không quốc tế, sân bay Phú Quốc. Hai phương án được đề xuất là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.

Hồi đầu năm nay, Tập đoàn này cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Cà Mau, trong đó có việc khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch và thực hiện đầu tư sân bay Cà Mau đạt cấp 4C, công suất dự kiến đạt 1 triệu hành khách/năm.


Thế Anh
Cùng chuyên mục