Có 4 tổ chức muốn đầu tư dự án sân bay Quảng Trị

16/12/2021 09:01 GMT+7
Hội đồng thẩm định liên ngành vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không (sân bay) Quảng Trị theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Theo đó, sân bay Quảng Trị có vị trí tại các xã Gio Quang, Gio Hải và Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị với tổng diện tích 265ha, cách sân bay Đồng Hới khoảng 93km về phía Bắc và cách sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 88km về phía Nam.

Tổng mức đầu tư của dự án sân bay Quảng Trị là hơn 5.800 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước khoảng 310 tỷ đồng. Dự án dự kiến thực hiện trong 50 năm, trong đó, giai đoạn chuẩn bị dự án và đầu tư xây dựng từ 2021 - 2024 (thời gian đầu tư xây dựng khoảng 22 tháng).

Báo cáo này cho thấy, nhu cầu hành khách đến Quảng Trị năm 2017 là gần 1,5 triệu lượt khách, năm 2018 là hơn 1,65 triệu lượt khách, năm 2019 là 2,08 triệu lượt khách. Dự kiến đến năm 2030 có hơn 4,2 triệu lượt khách và năm 2050 có 15,7 triệu lượt khách.

Hé lộ "ông lớn" muốn "rót" tiền vào dự án sân bay Quảng Trị - Ảnh 1.

Phối cảnh sân bay Quảng Trị. Ảnh: VGP

UBND tỉnh Quảng Trị cho rằng, địa phương là mắt xích quan trọng của vùng kinh tế Bắc Trung bộ, là cầu nối Bắc - Nam và cửa ngõ của Việt Nam trên hành lang kinh tế Đông - Tây qua Lào, Thái Lan và Myanmar. Đây là điều kiện thuận lợi để Quảng Trị mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch.

Trong giai đoạn 1, vốn do nhà đầu tư huy động (vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng) là hơn 2.680 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia trong dự án là 233 tỷ đồng (chi trả kinh phí bồi thường GPMB, hỗ trợ tái định cư).

Giai đoạn 2, vốn do nhà đầu tư huy động là hơn 2.829 tỷ đồng, vốn Nhà nước là 79,7 tỷ đồng (để xây dựng trụ sở các cơ quan quản lý Nhà nước).

Tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đề xuất áp dụng 1 trong 2 hình thức lựa chọn nhà đầu tư là "đấu thầu rộng rãi" hoặc "đàm phán cạnh tranh".

Cho đến nay, dự án sân bay Quảng Trị đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm. Điển hình là Tập đoàn FLC, hãng hàng không Vietjet và một nhà đầu tư tiềm năng đến từ Thái Lan, gần đây nhất là Tập đoàn T&T.

Đáng chú ý, Tập đoàn T&T là nhà đầu tư lập đề xuất báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đây cũng không phải lần đầu tiên Tập đoàn này bày tỏ sự quan tâm với các dự án hàng không.

Trước đó, năm 2015, Tập đoàn T&T đã có đơn gửi Bộ GTVT đề nghị được tham gia đầu tư chiến lược vào Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc. Hai phương án được đề xuất là mua toàn bộ tài sản sân bay hoặc nhận chuyển nhượng quyền khai thác có kế thừa lao động.

Hồi đầu năm nay, Tập đoàn này cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với UBND tỉnh Cà Mau, trong đó có việc khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch và thực hiện đầu tư sân bay Cà Mau đạt cấp 4C, công suất dự kiến đạt 1 triệu hành khách/năm.

Giai đoạn 1 sẽ xây dựng các công trình cơ bản của Cảng hàng không Quảng Trị đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp II theo quy hoạch và đạt công suất theo dự báo khai thác khoảng 2,2 triệu hành khách/năm vào năm 2046 và khoảng 5.600 tấn hàng hóa vào năm 2042.

Giai đoạn 2, đầu tư hạ tầng khu phục vụ mặt đất tại Cảng hàng không năm 2029; Mở rộng nhà ga hành khách năm 2047 đảm bảo khai thác đến 5 triệu hành khách; Mở rộng nhà ga hàng hóa đợt 1 năm 2043 với công suất khai thác khoảng 13.700 tấn/năm, đợt 2 năm 2059 với công suất khai thác khoảng 25.500 tấn/năm.


Thế Anh
Cùng chuyên mục