Thủ tướng: Việt Nam không công nhận nhưng tiền ảo vẫn được sử dụng mà chưa có chế tài xử lý

PVKT Thứ hai, ngày 24/10/2022 18:30 PM (GMT+7)
ĐBQH cho rằng rửa tiền qua tiền điện tử là nguy cơ hiện hữu và cần phải quản lý. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng rất sốt ruột khi Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng loại tiền này vẫn được sử dụng trên thực tế nhưng chưa có chế tài xử lý.
Bình luận 0

Chiều ngày 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Đề cập đến vấn đề liên quan đến tiền điện tử, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh (Đoàn Khánh Hòa) cho rằng, đây là khái niệm chưa có trong các quy định pháp luật của chúng ta. Nhưng thực tế, trong hoạt động thực tế của kinh tế thế giới, rất nhiều quốc gia đã nhìn nhận và công nhận vai trò của tiền điện tử và thậm chí có cả những quy định cụ thể của pháp luật để điều chỉnh và đảm bảo cái vai trò của đồng tiền điện tử. Tuy nhiên đây là khái niệm rất mới, do vậy dự thảo Luật cần phải định nghĩa và quy định thật cụ thể về nội dung này.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, cũng cần nghiên cứu để quy định một số nội dung có liên quan đến tiền điện tử theo hướng kiểm soát được hành vi rửa tiền từ các đối tượng có yếu tố nước ngoài, nhất là đối với những quốc gia, vùng lãnh thổ, quản lý kinh tế đã có công nhận pháp lý với tiền điện tử, tuy nhiên cũng cần dựa trên cơ sở căn cứ pháp luật trong nước để đảm bảo cái tính khả thi và tương thích.

Cũng theo đại biểu Quốc hội, về công tác phòng, chống rửa tiền, chúng ta đang hội nhập sâu rộng với các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, dự thảo luật nên rà soát, bổ sung để chặt chẽ hơn về kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để đảm bảo sự chia sẻ, phục vụ mục đích xác minh thông tin.

ĐBQH lo rửa tiền qua tiền ảo, Thủ tướng "cũng rất sốt ruột"  - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh (Đoàn Khánh Hòa)

Tham gia thẩm định dự thảo luật, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng (ĐBQH Cần Thơ) cho rằng, tiền điện tử hiện là loại hình giao dịch phổ biến ở Việt Nam. Mặc dù dự thảo luật đã đề cập loại tiền này là hành vi bị cấm bao gồm tiền điện tử, nhưng lại chưa đưa ra khái niệm tiền điện tử, nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

"Rửa tiền qua tiền điện tử là nguy cơ hiện hữu, nên đặt ra vấn đề là có cần quản lý tiền điện tử gắn với quản lý rửa tiền hay không?", ông Hùng đặt câu hỏi.

Đồng tình, đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Hưng Yên) cũng bày tỏ băn khoăn khi dự thảo không đề cập đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số. Hiện Việt Nam chưa công nhận nhưng thực tế vẫn có giao dịch và nếu không quan tâm sẽ tạo ra kẽ hở cho tội phạm rửa tiền.

"Lý do trình dự án luật là tiền ảo chưa được chấp nhận nên luật này chưa đề cập, tuy nhiên theo tôi cần nghiên cứu quy định. Người ta chuyển tiền bằng cách dùng tiền thật mua tiền ảo rồi ra nước ngoài bán tiền ảo lấy tiền thật mà Nhà nước không quản lý là không được. Nếu không có chế tài mạnh thì trong trường hợp thông đồng chuyển tiền, chuyển tài sản ra nước ngoài sẽ rất ảnh hưởng", đại biểu Vận nêu quan điểm và đề nghị nên đề cập trong luật này để quản lý.

Thậm chí, một số đại biểu khác còn lưu ý, ngoài giao dịch bằng tiền mặt, vàng, ngoại tệ thì thực tế còn rất nhiều loại giao dịch khác cũng cần được xem xét đề cập.

Chẳng hạn như ý kiến từ đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM). Đại biểu này lấy ví dụ: "Tôi mua bức tranh 20.000 USD, ông họa sỹ không gửi bức tranh cho tôi mà gửi tài sản được số hoá, mã hóa cho tôi. Cái này cũng giống như tiền ảo và bức tranh này chỉ tôi sở hữu thôi. Đây là một loại mới bắt đầu phát triển, nó có thể giá trị rất cao, người ta có thể dùng nó để rửa tiền. Như vậy, nếu mình chỉ mới đề cập đến tiền ảo, tiền kỹ thuật số thì chưa bao quát hết. Chính vì chưa cập nhật được biến động của thế giới số, kinh tế số, tài chính số trên thế giới thì nên nghiên cứu thêm cho kỹ, để bảo đảm được mục tiêu phòng chống rửa tiền".

ĐBQH lo rửa tiền qua tiền ảo, Thủ tướng "cũng rất sốt ruột"  - Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Phát biểu về Luật phòng chống rửa tiền sửa đổi, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay khi thảo luận ở Chính phủ cũng có hai loại ý kiến. Tuy nhiên, tờ trình thống nhất không đưa nội dung tiền ảo vào quy định của dự thảo luật vì hiện chưa có căn cứ pháp lý để công nhận tiền ảo.

Tuy vậy, Thủ tướng cũng nhìn nhận thực tế được các đại biểu nêu và đặt ra câu hỏi: "Thực tế sử dụng thì có chế tài xử lý thế nào?".

Theo Thủ tướng, dù Việt Nam không công nhận tiền ảo, nhưng loại tiền này vẫn được sử dụng. Tức dù không có chế tài xử lý thì thực tế vẫn diễn ra, với nhiều thay đổi, diễn biến nhanh.

"Thực tế đang vướng chỗ này, cũng rất sốt ruột. Vì vậy phải nghiên cứu chế tài xử lý phù hợp. Khi chưa được pháp luật công nhận thì có cách xử lý thế nào cho phù hợp và nên giao Chính phủ nghiên cứu xử lý" - Thủ tướng nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem