Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam

Đông Hoàng (Tổng hợp) Chủ nhật, ngày 13/12/2020 12:00 PM (GMT+7)
Tối ngày 12/12 tại TP Thái Bình đã diễn ra Lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và có bài phát biểu quan trọng tại buổi lễ.
Bình luận 0

Clip: Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ tại lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam tối ngày 12/12 tại TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình. Nguồn videos: Báo Thái Bình điện tử-Baothaibinh.com.vn

Dự lễ khánh thành tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam còn có Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội, đông đảo cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Bình.

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam có tổng diện tích hơn 91ha nằm trong quy hoạch công viên sinh thái, tại phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những kỷ niệm, dấu ấn sâu sắc, tình cảm đặc biệt sâu nặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân tỉnh Thái Bình. Sinh thời, Bác Hồ đã dành thời gian 5 lần về thăm Thái Bình. Khi cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Bình làm chưa tốt, Bác về động viên, chia sẻ ân cần. Khi tỉnh Thái Bình lập làng mới, Bác về tân nơi xem xét, chỉ bảo những việc làm được, những gì chưa được và làm được những gì phải làm gấp...

Đáp lại tình cảm thiêng liêng của Bác, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình luôn gìn giữ và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương; đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn với bàn tay, khối óc của bao thế hệ, Thái Bình tỉnh đồng bằng duyên hải đất đai phì nhiêu màu mỡ cùng với địa linh nhân kiệt gắn liền với lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam...

Thái Bình còn là quê hương của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh-người chiến sỹ cộng sản kiên trung, mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tiền bối của Đảng ta; Thái Bình đã sớm trở thành kho của kho người trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc lại phong trào cách mạng của nông dân tỉnh Thái Bình trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phong kiến qua sự kiện "Tiếng trống Tiền Hải" ngày 14/10/1930.

Lịch sử mãi mãi âm vang hào hùng tiếng trống xưa nơi Tiền Hải thúc giục vạn vạn nông dân vùng lên giành chính quyền từ thực dân Pháp, phong kiến dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, phong kiến, tỉnh Thái Bình là một trong những cái nôi của du kích. Trong kháng chiến chống đế quốc, Thái Bình với phong trào "góp thóc không thiếu 1 cân, góp quân không thiếu 1 người, tất cả cho tiền tuyến...".

Thái Bình cũng là tỉnh đầu tiên đạt được năng suất lúa 5 tấn/ha, cao nhất miền Bắc.

Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, tỉnh Thái Bình là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng nông thôn mới với 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100% số huyện, thành phố đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới.

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, giai cấp nông dân Việt Nam là một lực lượng có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong thời kỳ đổi mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

"Nông dân Việt Nam chiếm hơn 1/2 dân số nước ta. Nếu Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045, nhưng một nửa nông dân Việt Nam chưa đạt mức thu nhập cao thì chúng ta cũng chỉ mới thành công một nửa", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam được làm bằng chất liệu bằng đá xanh với tượng 13 nhân vật, trong đó tượng Bác Hồ là nhân vật trung tâm với chiều cao tượng là 5,04 m. Đứng xung quanh tượng Bác Hồ là tượng các nhân vật còn lại đại diện cho các thế hệ, người già, các cụ bô lão, trung niên, thanh niên và trẻ em nông thôn Việt Nam, có chiều cao trung bình là 4,6 m.

Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã thống nhất chủ trương cho tỉnh Thái Bình xây dựng công trình Tượng đài Bác Hồ với nông dân Việt Nam từ năm 2013. Sau thời gian triển khai thực hiện, "công trình đã hoàn thành với chất lượng cao về nội dung tư tưởng, kỹ thuật, mỹ thuật, như một biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng của giai cấp nông dân Việt Nam và nhân dân Thái Bình đối với Bác Hồ".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem