Thuế đối ứng Mỹ áp dụng với tất cả các quốc gia: Việt Nam có đang lọt vào “tầm ngắm” thuế quan?
Thuế quan cao hơn của Mỹ tác động thế nào đến Việt Nam?
Nhóm chuyên gia VIS Rating cho biết, các thông báo thuế quan thay đổi liên tục của chính phủ Mỹ gần đây cho thấy mức độ không chắc chắn về chính sách thuế đối ứng dự kiến công bố vào ngày 2/4 sắp tới.
Nếu Việt Nam bị tăng thuế, các nhà phân tích cho rằng những ngành công nghiệp chính sẽ bị ảnh hưởng và dễ bị tổn thương nhất là đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép và đồ gỗ.
Đáng nói, các ngành này chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia kỳ vọng tác động sẽ phân hóa giữa các ngành và từng công ty.

Tuy nhiên, nhóm phân tích cho rằng, các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng phản ứng với thuế quan tốt hơn bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác. Nhưng các nhà sản xuất nội địa về dệt may, giày dép và đồ gỗ có thể có ít lựa chọn để chuyển hướng và tìm thị trường tiêu thụ thay thế.
Trong đó, những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào doanh số xuất khẩu sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn, số lượng đơn hàng giảm sút và dòng tiền hoạt động kém hơn. Trong số các nhà sản xuất dệt may nội địa, Công ty May Sông Hồng (MSH) có 80% doanh thu xuất khẩu từ thị trường Mỹ, TNG (TNG) 46%, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VGT) 35%, Dệt May Thành Công (TCM) 25%. Savimex (SAV), một nhà sản xuất đồ gỗ lớn, có 50% doanh thu từ xuất khẩu là sang thị trường Mỹ.
VIS Rating thông tin thêm, trong vài tuần qua, đại diện chính phủ Việt Nam và Mỹ đã nhiều lần gặp nhau để đàm phán các biện pháp thương mại mới và điều chỉnh chính sách nhằm đối phó với các rủi ro thuế quan tiềm ẩn. Ngoài việc giảm thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ, chính phủ Việt Nam đã phê duyệt các thỏa thuận mới cho phép các tập đoàn Mỹ hoạt động tại Việt Nam.
Ví dụ, SpaceX của Mỹ đã nhận được sự chấp thuận để triển khai thử nghiệm dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam. Các biện pháp này, về lý thuyết, sẽ giúp thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa Mỹ và giảm thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ theo thời gian.
"Nhưng chúng tôi cho rằng chính các cuộc đàm phán đang và sắp diễn ra giữa hai chính phủ mới quyết định mức độ chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng như việc sẽ áp dụng nó trong bao lâu", trích báo cáo VIS Rating.
Việt Nam có đang lọt vào “tầm ngắm” thuế quan?
Theo quan điểm của chuyên gia tư vấn Thanh Thúy từ Chứng khoán SSI, chắc chắn Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn từ căng thẳng thương mại toàn cầu. Những thách thức này cụ thể là: bị nâng thuế nhập khẩu các mặt hàng từ Việt Nam vào Mỹ, giá hàng hóa tăng sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ, từ đó giảm kim ngạch xuất khẩu và cũng có thể kéo theo sự suy giảm tăng trưởng GDP.

Cho đến nay, các chính sách thuế quan của Mỹ mới chỉ nhắm đến những thị trường lớn hàng đầu như Trung Quốc, EU cũng như các quốc gia láng giềng là Canada và Mexico. Tuy nhiên, Việt Nam có thể sẽ là một trong những quốc gia phải chịu ảnh hưởng từ chính sách mới này do mức thuế nhập khẩu hàng hóa Mỹ cao hơn so với mức thuế Mỹ đang áp dụng vào hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
Đặc biệt, theo công bố từ Cục Phân tích kinh tế của Bộ Thương mại Mỹ ngày 5-2, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ năm 2024 đạt kỷ lục 123,5 tỷ USD – Là quốc gia có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Hoa Kỳ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Nhưng ở góc độ tích cực, cùng quan điểm với VIS Rating, bà Thúy cho rằng, những động thái này thể hiện chủ động và linh hoạt trong việc tiếp cận và đàm phán với phía Mỹ nhằm phòng ngừa rủi ro bị áp thuế với những hành động điển hình cụ thể của Việt Nam trong việc làm dịu căng thẳng thương mại. Đồng thời, chủ động điều chỉnh thặng dư thương mại – vấn đề từng được ông Trump nhấn mạnh như một căn cứ để áp thuế.
Về phía doanh nghiệp, Tập đoàn Gelex nhận định, các quyết sách của Tổng thống Trump sẽ có ảnh hưởng nhất định đến kinh tế vĩ mô nói chung nên đương nhiên sẽ có phần ảnh hưởng đến Gelex.
Nguyên nhân do quá trình sản xuất thiết bị điện của các công ty thành viên của Gelex sử dụng nhiều đồng nguyên liệu, là sản phẩm chủ yếu được nhập khẩu.
Đồng thời, chính sách của Tổng thống Trump về thuế có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và điều này sẽ tác động trực tiếp đến tình hình kinh doanh bất động sản khu công nghiệp của Gelex.