Thuế suất 0%, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang EU "ăn cả"

31/07/2019 18:12 GMT+7
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, đồng nghĩa với việc giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu cho ngành thủy sản Việt Nam về 0%, lúc đó các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng thủy sản sẽ được lợi thế “ăn cả”.

Ông Lê Kỳ Anh, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam – EU vừa được tổ chức tại TP.HCM: “EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Riêng sản phẩm tôm xuất khẩu sang EU chiếm 22% tỷ trọng, cá tra chiếm 11% và 30-35% tỷ trọng các mặt hàng hải sản khác. Xuất khẩu cá tra phi lê sang EU đạt 300 triệu USD.

Khi EVFTA có hiệu lực, các sản phẩm hải sản (hàu, điệp, mực..) sẽ được giảm thuế nhập khẩu về 0% từ mức 20%. Các sản phẩm mực, bạch tuộc đông lạnh hiện đang chịu mức thuế 6-8% sẽ giảm ngay về 0%, cá cờ kiếm từ 7,5% về 0%, cá tra hiện đang chịu mức thuế 9% sẽ được giảm về 0% với lộ trình 3 năm”.

Ông Lê Kỳ Anh: "Thuế suất 0% thì nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ được "ăn cả"

Ông Lê Kỳ Anh làm phép so sánh: “Nếu một đôi giày xuất khẩu sang châu Âu giá 100 đồng, Việt Nam chỉ được hưởng 2 đồng, thì khi xuất khẩu thủy sản, gần như toàn bộ giá trị đó nông dân và doanh nghiệp Việt Nam được ăn cả”.

Ông Kỳ Anh cũng chỉ ra những lợi thế khi thuế suất 0% sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối ở châu Âu hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam, nhập khẩu hàng Việt Nam, góp phần đẩy mạnh lượng hàng hóa xuất khẩu.

Ông Vicent Gothknecht, Giám đốc điều hành Công ty I.Schroeder KG Việt Nam trao đổi về cơ chế thu mua hàng xuất khẩu vào EU. Theo đó, thuế suất giảm còn 0% là một lợi thế cực lớn cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, để hàng hóa vào được khối các nước thành viên EU phải tuân thủ những nguyên tắc ngặt nghèo.

Đặc biệt, thủy sản nói riêng, nông sản Việt Nam nói chung còn quá nhiều thiếu sót để đáp ứng các tiêu chí về xuất xứ hàng hóa, ATVSTP, dư lượng hóa chất,…

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp EU tìm kiếm bạn hàng là các doanh nghiệp có thương hiệu, uy tín, làm ăn nghiêm túc tại Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải xây dựng quy trình sản xuất sản phẩm an toàn, đạt các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn EU, ngay từ bước nuôi trồng, chế biến, nhãn mác… Điều này cũng nhằm giúp cho doanh nghiệp Việt Nam làm quen dần với việc quản lý, sản xuất khoa học, nâng cao trình độ năng lực của con người và doanh nghiệp Việt Nam…

Đại diện cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) bày tỏ sự vui mừng trước sự kiện Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU được ký kết và sắp có hiệu lực.

Bà Tâm chia sẻ, mấy năm trước, đã có thời kỳ hàng cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu sang EU của Việt Nam đạt 500 triệu USD. Hiện nay, mặt hàng này chỉ đạt 300 triệu USD.

EVFTA có hiệu lực tạo cơ hội lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Tại thị trường EU, Đức là thị trường tăng nhập cá tra từ Việt Nam trước bối cảnh khu vực chung EU đang giảm tiêu thụ. Tính trong tháng 5/2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang Đức tăng 144,7% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đạt 14,7 triệu USD, tăng 74,6% so với cùng kỳ 2018.

Khi EVFTA có hiệu lực, thuế suất 5,5%  của mặt hàng cá tra phi lê hiện nay sẽ giảm còn 0% trong 3 năm tới, đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tăng lượng hàng hóa xuất khẩu như thời “hoàng kim”, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm này tại thị trường châu Âu.

Các sản phẩm thủy sản khác của Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội và lợi thế hơn khi không phải chịu thuế suất so với các doanh nghiệp xuất khẩu cùng mặt hàng sang thị trường EU.

“Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp nếu không coi trọng các điều kiện khắt khe tại thị trường khó tính này để chủ động có kế hoạch nâng cao năng lực, coi trọng vấn đề xuất xứ hàng hóa, nhãn mác, VSATTP, truy nguyên nguồn gốc… thì cơ hội cũng không thể nắm bắt được” - bà Tâm nhấn mạnh.

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục