Thuế xe nhập khẩu 0%, ngành ô tô Việt khó cạnh tranh cả với Lào, Campuchia
Tỉ lệ nội địa hóa thấp, giá thành cao, ô tô Việt khó cạnh tranh
Theo báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình sản xuất ô tô 9 tháng đầu năm 2019, sản lượng sản xuất ô tô 9 tháng qua ước đạt hơn 240.000 chiếc, tăng 8,3% so với cùng kỳ.
Trong đó, sản lượng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập khẩu tăng mạnh tới 3,86 lần về lượng và 3,5 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2018, đạt 73.063 chiếc với trị giá 1,39 tỷ USD.
Hiện nay, trong nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam hiện mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành ô tô, chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi như động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động…
Đặc biệt, Bộ Công Thương cho hay, giá bán xe tại Việt Nam vẫn ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu. Điều này dẫn đến tình trạng thị hiếu người Việt vẫn chủ yếu hướng về các dòng xe ngoại nhập.
Đánh giá về nguyên nhân khiến xe ô tô giá thành cao, chất lượng lại không cao, Bộ Công Thương cho rằng, do quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều nhưng tỉ lệ nội địa hóa trên từng sản phẩm quá nhỏ.
"Về tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi, mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7 – 10%. Các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc-quy, sản phẩm nhựa ...
Hiện tỷ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực trung bình đã đạt được 65 - 70%, Thái Lan đạt tới 80%. Như vậy, nếu các nhà sản xuất ô tô trong nước không sớm có giải pháp hữu hiệu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chắc chắn sẽ khó lòng cạnh tranh với thị trường khu vực khi AFTA (hiệp định thương mại tự do đa phương giữa các nước trong khối ASEAN) có hiệu lực. Theo đó, sẽ thực hiện tiến trình giảm dần thuế quan xuống 0-5%." Bộ Công Thương nhận định.
Ngoài ra, Bộ Công Thương thông tin thêm, các loại thuế, phí đối với sản phẩm ô tô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ô tô. Đồng thời, các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành, chưa ổn định và đồng bộ so với các nước trong khu vực làm mất cơ hội thu hút đầu tư.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), hai nguyên nhân khiến ngành công nghiệp xe hơi trong nước khó phát triển là bởi năng lực sản xuất yếu và quy mô thị trường còn hạn chế.
Cụ thể, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tuệ Anh cho rằng, giá xe sản xuất trong nước cao vì vật tư nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu nên cứ theo thuế suất thì sẽ làm đẩy chi phí lên cao. Ngoài ra, thị trường Việt Nam lại quá nhỏ để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.
"Quy mô thị trường ở Việt Nam thấp hơn so với Thái Lan, chỉ bằng 1/3, nên các nhà công nghiệp phụ trợ đầu tư thì bán cho ai? Vì thị trường nhỏ quá, nên tư duy của các nhà sản xuất lắp ráp ôtô ở Việt Nam thường là khi đầu tư vào, họ lôi kéo các doanh nghiệp sản xuất linh phụ kiện, vừa phải sản xuất cung ứng cho thị trường nội địa, vừa phải quay sang xuất khẩu để họ có lãi và vận hành hiệu quả." Tiến sĩ Tuệ Anh chia sẻ.
Cách nào "gỡ khó" cho ô tô Việt?
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm 2019 sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Bên cạnh sức ép từ nền công nghiệp ô tô lớn, Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt của các nước đi sau trong khu vực (Myanma, Lào, Campuchia).
Nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 với những định hướng quan trọng.
Ông Trương Thanh Hoài, cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương thông tin, sắp tới các cơ quan chức năng sẽ ban hành chính sách nhằm kích thích doanh nghiệp ôtô trong nước tăng cường mua linh kiện, phụ tùng trong nước nhằm tăng tỉ lệ nội địa hóa qua đó giảm giá xe.
"Nếu tự sản xuất được linh kiện sẽ vừa góp phần giảm giá thành sản xuất ôtô, vừa giúp tạo giá trị gia tăng cho ngành phụ trợ ôtô trong nước. Do đó, Bộ Công thương đang phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ nhiều giải pháp, trong đó có đề xuất chỉ tính thuế tiêu thụ đặc biệt với linh kiện phụ tùng nhập khẩu, còn với phần giá trị linh kiện sản xuất trong nước sẽ không tính thuế.
Chính sách này nhằm mục đích vừa thúc tăng tỉ lệ nội địa hóa vừa thúc đẩy các doanh nghiệp ôtô trong nước tăng cường mua linh kiện, phụ tùng trong nước. Khi giá xe giảm mới tạo ra dung lượng thị trường đủ lớn để thúc đẩy sản xuất." ông Hoài chia sẻ.
"Đối với xe chở người đến 9 chỗ ngồi (xe con), mục tiêu đến năm 2020 - 2025, xe sản xuất trong nước đáp ứng 60 - 70% nhu cầu thị trường và nội địa hóa đến 2020 đạt từ 35 - 40%, đến năm 2021 - 2025 đạt 40 - 45%." Văn bản của Bộ Công Thương thông tin thêm.